Lỗ nhưng vẫn chia cổ tức khiến tình hình tài chính DongA Bank vốn xấu lại càng xấu thêm

Lỗ nhưng vẫn chia cổ tức khiến tình hình tài chính DongA Bank vốn xấu lại càng xấu thêm

(ĐTCK) Tại tuần làm việc thứ hai phiên tòa xét xử bị cáo Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc (CEO) Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á - DongA Bank (DAB) và các đồng phạm gây thất thoát hơn 3.600 tỷ đồng cho DongA Bank, một vấn đề nổi cộm được nhắc lại là khoản chi lãi ngoài hàng trăm tỷ đồng của các cựu lãnh đạo ngân hàng này.

Với phần xét hỏi của các luật sư, Luật sư Trương Thị Hòa - người bào chữa cho bị cáo Trần Phương Bình, thẩm vấn thân chủ của mình về nguyên nhân gây ra sai phạm.

Theo đó, bị cáo Bình cho biết, nguyên nhân bắt nguồn từ việc muốn tăng vốn điều lệ cho DongA Bank. Nhưng do ngân quỹ bị âm, nên bị cáo phải kinh doanh vàng tài khoản, ngoại hối... để lấy nguồn tiền thực hiện kế hoạch này, từ đó gây nên sai phạm.

Cựu Tổng giám đốc DongA Bank bộc bạch rằng, bản thân luôn muốn toàn tâm toàn ý phục vụ DongA Bank, nhưng vì suy nghĩ không đến nơi, đến chốn nên mới xảy ra hậu quả.

"Mặc dù thành viên Hội đồng quản trị DongA Bank lúc đó có nhiều người, nhưng các thành viên khác không chuyên trách, chỉ một mình bị cáo vừa làm công việc của thành viên Hội đồng quản trị, vừa làm công việc điều hành. Xuất phát từ cái tâm, nhưng sức người có hạn nên gây ra sai phạm…”, bị cáo Bình nói.

Bị cáo Bình cũng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại là ở số tiền lớn mà bị cáo dùng để mua cổ phần DongA Bank cho mình và người thân.

Theo bản cáo trạng, 27 hành vi bị truy tố các bị cáo đều xuất phát từ việc tăng vốn điều lệ cho DongA Bank. Tuy nhiên, với tình hình âm quỹ thì rất khó để DongA Bank hoạt động hiệu quả, chứ chưa nói đến việc tăng vốn. Bị cáo Bình cho biết, trong giai đoạn 1992-2014, DongA Bank hoạt động gần như không có lãi, nhưng đều chia cổ tức cho cổ đông.

“Lỗ nhưng vẫn chia cổ tức khiến tình hình tài chính DongA Bank vốn xấu lại càng xấu thêm”, bị cáo Bình phân trần.

Trả lời chủ tọa tại các phiên xử trước đó, bị cáo Trần Phường Bình và bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến - cựu Phó tổng giám đốc DongA Bank cho biết, từ năm 2011 có nhiều khách hàng rút vốn tại DongA Bank để gửi sang ngân hàng có lãi suất cao hơn.

Nếu không giữ nguồn tiền gửi tiết kiệm, DongA Bank sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản nên hai bị cáo thống nhất chi lãi suất vượt trần, trái quy định của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn.

"Nếu không thực hiện chi lãi ngoài thì tình trạng huy động vốn của DongA Bank sẽ sụt giảm, thậm chí sụp đổ do mất thanh khoản trong thời điểm khách hàng rút tiền ồ ạt gửi qua ngân hàng khác", bị cáo Trần Phương Bình nói.

Mức lãi suất ngoài do các bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan - cựu Trưởng phòng Quản lý tài sản nợ DongA Bank chỉ đạo, mức dao động từ 1,2-2,8% mỗi năm. Năm 2011 và 2012, tỷ lệ chi lãi ngoài tăng cao rồi giảm dần, thấp nhất vào năm 2015 (từ 0,3-1%/năm).

Cho đến ngày 8/4/2015, DongA Bank mới thôi chi lãi suất ngoài cho khách hàng. Đây cũng là thời điểm DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt. Quá trình điều tra xác định, từ tháng 3/2011 đến tháng 4/2015, DongA Bank đã chuyển 437 tỷ đồng chi lãi ngoài và 650 lượng vàng (tương đương khoảng 30 tỷ đồng) cho 219 đơn vị kinh doanh.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến bị cáo buộc tham gia ký chấp thuận chủ trương xuất khẩu, kinh doanh vàng tài khoản trái phép, chi lãi suất ngoài sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DongA Bank hơn 1.000 tỷ đồng.

Tại phiên tòa ngày 3/12/2018, hai lãnh đạo của DongA Bank bị truy tố trong vụ án này là Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến đều tỏ ra hối hận, xin lỗi các nhân viên của mình vì họ quá tin tưởng nên mới thực hiện theo chỉ đạo, dẫn đến bị truy tố.

Trong vụ án này, DongA Bank là nguyên đơn bị hại. Đại diện DongA Bank cho rằng, ngoài khoản tiền gốc 3.608 tỷ đồng, Ngân hàng còn thiệt hại lãi phát sinh gồm 1.188 tỷ đồng và hơn 6.600 lượng vàng.

Trong đó, tiền thiệt hại được tính từ thời điểm các bị cáo ghi khống các khoản thu chi, còn vàng từ lúc xuất kho để bán bù âm quỹ.

Tin bài liên quan