Bị cáo Thắng và Lợi tại tòa.

Bị cáo Thắng và Lợi tại tòa.

Hy vọng đòi lại tiền cho khách hàng dự án giãn dân phố cổ

(ĐTCK) Sau nhiều năm mòn mỏi, hàng trăm khách hàng vụ án lừa đảo dự án giãn dân phố cổ đã có thêm hy vọng để lấy lại hơn 136,9 tỷ đồng.

Chiều 18/3, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt vụ án lừa đảo hơn 136 tỷ đồng tại dự án giãn dân phố cổ.

Bị cáo Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) lĩnh án 18 năm tù; Nguyễn Đức Lợi (62 tuổi, nguyên Tổng giám đốc CTCP Phát triển kinh tế Hà Nội) 12 năm tù và Nguyễn Quốc Xương (56 tuổi, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) 8 năm tù cùng về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt.

Còn bị cáo Trần Ứng Thanh (67 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty Hồng Hà) – người có vai trò quyết định toàn bộ việc ký hợp đồng góp vốn đã chết năm 2016 khi đang chấp hành hình phạt tù. Do đó, VKSND ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

HĐXX cho rằng, lời khai tại tòa của bị hại cho thấy các bị cáo đưa ra văn bản có thật nên tin tưởng ký hợp đồng góp vốn vào Công ty Hồng Hà. Các văn bản này không phải do các bị cáo gian dối tạo dựng lên. Tuy nhiên, số tiền thu được hơn 136,9 tỷ đồng các bị cáo đã sử dụng hết.

Tòa nhận thấy hành vi của các bị cáo là tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không phải tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố. Theo Bộ luật Hình sự 2015, mức án cao nhất của tội danh này là 20 năm nên tòa áp dụng tình tiết có lợi này cho các bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự, tòa nhận định các bị cáo đã đại diện cho Công ty Hồng Hà ký hợp đồng góp vốn, thu tiền. Do đó, Công ty Hồng Hà có nghĩa vụ trả lại tiền cho các bị cáo. Công ty có thể khởi kiện bằng vụ án dân sự khác để đòi tiền các bị cáo.

Vụ án này kéo dài hơn 6 năm nay. Đây là phiên tòa xét xử sơ thẩm lần thứ 2. Trước đó, các bị cáo bị xử phạt về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời buộc phải bồi thường cho các bị hại. Tuy nhiên, các khách hàng đồng loạt kháng cáo cho rằng Công ty Hồng Hà phải khắc phục hậu quả. TAND TP.Hà Nội cũng kháng nghị bản án sơ thẩm. Sau quyết định giám đốc thẩm, TAND TP Hà Nội đã xét xử lại từ đầu.

Theo nội dung vụ án, năm 2000, UBND quận Hoàn Kiếm được giao là chủ đầu tư dự án giãn dân phố cổ theo hình thức xã hội hóa.

Năm 2010, UBND quận Hoàn Kiếm ban hành văn bản giao Công ty Hồng Hà thu xếp nguồn vốn và chuẩn bị xây dựng dự án. Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà: Công ty được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn ở cho cán bộ công nhân viên Công ty và chấp thuận về mặt nguyên tắc cho Công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ trên tổng dự án mà công ty bỏ vốn xây dựng.

Công ty Hồng Hà đã sử dụng 2 văn bản trên làm cho khách hàng lầm tưởng rằng, công ty là chủ đầu tư dự án, được phép huy động vốn.

Có 146 lượt khách hàng nộp số tiền 169 tỷ đồng vào Công ty Hồng Hà. Công ty đã hoàn trả số tiền 32 tỷ đồng cho khách hàng. Hiện còn 136,9 tỷ đồng các bị cáo chiếm đoạt và không còn khả năng thanh toán.

Tin bài liên quan