Giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Tín: Chưa rõ 1.338 tỷ đồng ở đâu

Giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Tín: Chưa rõ 1.338 tỷ đồng ở đâu

(ĐTCK) Bà Hứa Thị Phấn được xác định đã chiếm đoạt 1.338 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Đại Tín (nay là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng - CBBank), nhưng chưa rõ việc sử dụng tiền như thế nào, đầu tư vào đâu.

Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Ngân hàng Ðại Tín.

Ðược biết, Ngân hàng Ðại Tín, tiền thân là Ngân hàng Nông thôn cổ phần Rạch Kiến (huyện Cần Ðước, tỉnh Long An), thành lập năm 1989; đến năm 1994 chuyển thành Ngân hàng TMCP Nông thôn Rạch Kiến; năm 2007 được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Ðại Tín.

Ðầu năm 2007, Hứa Thị Phấn cùng Công ty cổ phần Ðầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng (nhóm Phú Mỹ) đứng tên mua 254.751.970 cổ phần Ngân hàng Ðại Tín, tương đương hơn 2.547,5 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ.

Bà Phấn giữ chức vụ Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Ðại Tín từ năm 2009, có nhiệm vụ tư vấn cho Thường trực Hội đồng quản trị về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng (từ tháng 12/2012, bà Phấn thôi giữ chức vụ này).

Lợi dụng việc nắm giữ 84,92% vốn điều lệ Ngân hàng Ðại Tín, là cổ đông lớn nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng, Hứa Thị Phấn thực hiện và chỉ đạo nhân viên Ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để chiếm đoạt, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho Ngân hàng Ðại Tín hơn 12.000 tỷ đồng thông qua 5 hành vi.

Có 3 hành vi đã được xử lý bao gồm hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Ðại Tín, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng; hành vi hạch toán thu - chi khống để sử dụng trái pháp luật 5.256 tỷ đồng (đã xét xử giai đoạn I); hành vi thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt 3.581 tỷ đồng đã được đình chỉ điều tra vụ án, do Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã tất toán nên không còn thiệt hại.

Còn 2 hành vi được xử lý trong giai đoạn 2 gồm chỉ đạo Ngân hàng Ðại Tín đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt 1.037 tỷ đồng; nâng khống giá trị các bất động sản bán cho Ngân hàng Ðại Tín để chiếm đoạt 1.024 tỷ đồng.

Cơ quan công tố xác định, Ngân hàng Ðại Tín không có chức năng kinh doanh, đầu tư bất động sản; việc Ngân hàng đầu tư trực tiếp vào dự án bất động sản là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997: “Tổ chức tín dụng không được phép trực tiếp kinh doanh bất động sản” và Ðiều lệ Ngân hàng Ðại Tín: “Không được trực tiếp kinh doanh bất động sản”.

Dù vậy, Hứa Thị Phấn và các đồng phạm đã ký hoàn thiện mọi thủ tục đầu tư và chuyển tiền đầu tư, trong khi không thẩm định dự án, không thẩm định năng lực tài chính của chủ đầu tư - vốn là các công ty của Hứa Thị Phấn.

Sau khi góp vốn, các bị can không kiểm tra việc sử dụng vốn, không kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến hậu quả các chủ đầu tư không sử dụng vốn góp vào dự án, mà chuyển cho Hứa Thị Phấn sử dụng cá nhân; dự án không được triển khai.

Ðến nay, 2 dự án “The Star City” và “Go-Go City” chưa được cấp phép đầu tư và là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi; dự án Ðầu tư xây dựng Khu đô thị Phú Mỹ Garden II bị UBND tỉnh Long An thu hồi mà không biết. Hành vi đầu tư vào các dự án bất động sản này gây thiệt hại cho Ngân hàng Ðại Tín số tiền 901 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Phấn chỉ đạo Ngân hàng Ðại Tín mua 4 bất động sản bị nâng khống giá, gây thiệt hại 437 tỷ đồng. Hành vi này vi phạm Ðiều 140, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định tỷ lệ đầu tư mua sắm tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của Ngân hàng.

Như vậy, tổng số tiền bị can Phấn chiếm đoạt của Ngân hàng Ðại Tín là 1.338 tỷ đồng.

Căn cứ các biên bản làm việc từ năm 2015, Hứa Thị Phấn khai, toàn bộ số tiền nhận đầu tư của Ngân hàng Ðại Tín đã được bị can rút tiền mặt sử dụng cá nhân để mua đất, mua cổ phần, trả lãi vay, nhưng không giải trình được việc đầu tư, sử dụng tiền như thế nào.

Cũng trong năm 2015, biên bản đối chiếu dư nợ của nhóm Phú Mỹ do CBBank thực hiện, Hứa Thị Phấn đại diện cho nhóm Phú Mỹ từ chối nhận nợ và khẳng định, không có trách nhiệm hoàn trả 1.037 tỷ đồng tiền nhận góp vốn của Ngân hàng Ðại Tín (đã bị bà Phấn sử dụng cá nhân).

Bị can Phấn cho rằng, trách nhiệm đã được chuyển giao cho nhóm cổ đông mới là Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, theo biên bản chuyển giao quyền và nghĩa vụ Ngân hàng Ðại Tín đã ký. Ðến nay, cơ quan điều tra không lấy được lời khai của Hứa Thị Phấn do bị can không hợp tác, vì lý do bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Ðược biết, trong giai đoạn 2 vụ án, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên 114 bất động sản từ tháng 2/2017 (liên quan tới chuyển giao cho ông Phạm Công Danh), giao các bất động sản này cho CBBank quản lý.

Tin bài liên quan