Các giám đốc “bù nhìn” đã đứng tên ký hợp đồng giúp Phạm Công Danh rút hàng nghìn tỷ đồng từ VNCB

Các giám đốc “bù nhìn” đã đứng tên ký hợp đồng giúp Phạm Công Danh rút hàng nghìn tỷ đồng từ VNCB

Đại án VNCB: Nhân viên rửa xe, bảo vệ… “bỗng nhiên” thành giám đốc

(ĐTCK) Trong tuần thứ hai xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng (VNCB), ngoài các bị cáo đầu vụ, còn có sự xuất hiện của hơn 20 vị mang chức danh cựu tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc… các công ty liên quan.

Điều đáng nói là trong đó có nhiều giám đốc “bù nhìn” từng là lái xe, nhân viên hành chính đều được sự dẫn dắt của Phạm Công Danh ký vào các giấy tờ liên quan đến việc rút ruột hàng nghìn tỷ đồng ở VNCB.

Trả lời thẩm vấn Hội đồng xét xử tại tòa, nhóm giám đốc các công ty con của Tập đoàn Thiên Thanh cho rằng mình chỉ là các giám đốc “bù nhìn”, đứng tên ký hợp đồng giúp Phạm Công Danh rút hàng nghìn tỷ đồng từ VNCB.

Lời khai của Phạm Công Danh trong hồ sơ cũng cho thấy, Danh lập nên Công ty Trung Dung chỉ để lấy tư cách pháp nhân. Thực tế, công ty này không hoạt động kinh doanh nào, không có nhân sự, không có bộ phận kế toán…, chỉ có giám đốc đứng tên để ký hồ sơ.

Trước khi làm Tổng giám đốc Công ty Trung Dung, Trần Văn Bình chỉ học hết lớp 7 và làm lái xe tại Tập đoàn Thiên Thanh; Trước khi trở thành Giám đốc Công ty Quang Đại, bị cáo Nguyễn Hữu Duyên là nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh; bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hương Việt khai, mình chỉ được thuê để làm giám đốc Công ty Hương Việt, còn con dấu, tài khoản và tất cả mọi thứ đều không biết...

Trong phiên xét xử ngày 26/7, Trần Văn Bình, nguyên Tổng giám đốc Công ty Trung Dung khai, trước khi làm Tổng giám đốc, Bình chỉ học hết lớp 7 và làm lái xe tại Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, sau đó làm giám đốc thì được trả lương 10 triệu đồng/tháng. Là người đứng tên để ký hợp đồng cho thuê trụ sở với VNCB nhưng khi được Tòa hỏi về việc có biết thửa đất cho thuê ở chỗ nào không thì Bình nói không biết.

Tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (37 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hương Việt), là người đứng tên hợp đồng cho thuê thửa đất tại số 816 Sư Vạn Hạnh để giúp Phạm Công Danh rút 400 tỷ đồng. Khóc lóc thảm thiết, bị cáo Vân trả lời rằng mình chỉ được thuê để làm giám đốc Công ty Hương Việt, còn con dấu, tài khoản và tất cả mọi thứ đều không biết.

Trong khi đó, cáo trạng xác định Vân phải liên đới chịu trách nhiệm về việc rút 400 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của VNCB bằng hành vi gian dối.

Ngoài ra, theo cáo trạng, Công ty Quang Đại - một trong những công ty do Phạm Công Danh lập ra - cũng đã làm hồ sơ vay vốn với mục đích để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu xây dựng, tài sản đảm bảo là một lô đất ở khu vực sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng). Thực tế, lô đất này đã được thẩm định nâng khống giá trị lên thành 1.167 tỷ đồng (sau này Công ty cổ phần Thông tin thẩm định giá miền Nam xác định giá trị tài sản này chỉ là 368 tỷ đồng). Tháng 1/2014, hồ sơ này được chấp nhận cho vay.

Trước khi trở thành Giám đốc Công ty Quang Đại, bị cáo Nguyễn Hữu Duyên là nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh. Thực tế, Công ty kể từ khi thành lập đến khi bị khởi tố điều tra không hề có hoạt động kinh doanh gì. Duyên nhận đứng tên giám đốc Công ty là muốn có thêm thu nhập và bản thân Duyên cũng không biết gì về hoạt động của công ty này. Bởi sau khi thành lập xong, giấy phép và con dấu do người khác quản lý.

Bị cáo Phạm Việt Thép là nhân viên của VNCB, được cho làm Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại JSC An Phát. Đây là công ty trong mắt xích Phạm Công Danh thuê làm đơn vị tư vấn cho đề án nâng cấp CoreBanking để rút 63,2 tỷ đồng của VNCB.

Thép là anh trai của Phạm Thị Trang (Trang Phố Núi) - nhân vật quan trọng trong vụ án nhưng đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Tương tự các công ty trên, hàng loạt công ty khác do Phạm Công Danh thành lập cũng không có chức năng kinh doanh: Công ty Cường Tín, Công ty Thanh Quang, Công ty Nhất Nhất Vinh, Công ty Phước Đại, Công ty Toàn Tâm, Trung Dung… Giám đốc của các công ty này vốn là nhân viên bảo vệ hoặc tạp vụ hay nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh được bổ nhiệm. Các giám đốc này chỉ có chức năng ký hồ sơ để vay tiền và nhận tiền lương từ Thiên Thanh, không biết gì về hoạt động của công ty.             

Trả lời Viện kiểm sát trong phiên xét xử ngày 26/7, về khoản 5.190 tỷ đồng, bị cáo Hoàng Đình Quyết - Phó giám đốc phụ trách VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang khẳng định rằng, việc cho nhóm Trần Ngọc Bích vay 5.190 tỷ đồng này là đúng quy định, việc chuyển 5.190 tỷ đồng sang tài khoản ông Phạm Công Danh và người có liên quan tới ông Danh là có sự đồng thuận của bà Trần Ngọc Bích, nhưng không có chữ ký.

Tuy nhiên, trả lời tòa trong ngày thẩm vấn 25/7, Giám đốc Tân Hiệp Phát, bà Trần Ngọc Bích khai rằng, đã có thời điểm giao dịch với VNCB tới 6.000 tỷ đồng và có quan hệ tín dụng với VNCB từ tháng 6/2012, lúc đó còn đang mang tên Đại Tín (TrustBank).

Theo Giám đốc Tân Hiệp Phát, quan hệ giữa bà và VNCB là khi ngân hàng này mời gửi tiền, bà và những người có liên quan đã gửi tiền tiết kiệm, đồng thời cũng có vay tiền của VNCB. Bà Bích không công nhận việc có quan hệ tín dụng với Phạm Công Danh - cũng là người đã rút ruột 5.190 tỷ đồng của nhóm Trần Ngọc Bích mà không có chứng từ và sự đồng ý của chủ tài khoản, đồng thời rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay. Bà Bích khai, đã làm việc với Ngân hàng Xây dựng, nhưng chỉ làm việc với Hoàng Đình Quyết. 

Tin bài liên quan