Bị cáo Đinh La Thăng (ảnh: Tiền Phong).

Bị cáo Đinh La Thăng (ảnh: Tiền Phong).

Đại án PVC: Ông Đinh La Thăng không biết hợp đồng 33 không có giá trị

(ĐTCK) Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, tất cả mọi quyết định, chỉ đạo nếu không đúng quy định thì người thực hiện có quyền không thực hiện. Nếu người thực hiện có báo cáo mà người ra lệnh vẫn yêu cầu thì có quyền bảo lưu bằng văn bản.

Quá trình xét hỏi, ông Vũ Huy Quang (nguyên Tổng giám đốc PVPower) có nhiều lời khai cho biết, đã báo cáo về hợp đồng 33 trong cuộc họp ngày 31/3/2011. Đề cập lời khai trên, trả lời luật sư Nguyễn Huy Thiệp, bị cáo Đinh La Thăng nhận chủ trì cuộc họp trên.

Bị cáo cho biết, cuộc họp có nhiều nội dung. Căn cứ vào báo cáo của các đơn vị có dự thảo kết luận. Dự thảo kết luận đều được gửi cho các đơn vị đọc thống nhất trước khi ban hành. Bản thân bị cáo không biết hợp đồng 33 không có giá trị.

“Mọi quyết định, chỉ đạo của lãnh đạo nếu không đúng quy định pháp luật thì người thực hiện có quyền không thực hiện. Nếu người thực hiện có báo cáo mà người ra lệnh vẫn yêu cầu có quyền bảo lưu bằng văn bản”, bị cáo Thăng khai nhận.

Bị cáo cũng cho rằng, theo quy định pháp luật, chủ thể hợp đồng là người chịu trách nhiệm về giá trị pháp lý của hợp đồng. Với dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, HĐTV giao cho HĐTV PVPower quyết định lựa chọn nhà thầu, đàm phàn, ký kết. Khi hợp đồng có hiệu lực, HĐTV PVPower phê duyệt vì khi đó PVPower là chủ đầu tư.

“PVPower là đơn vị hạch toán độc lập, chịu trách nhiệm trước pháp luật về chữ ký của mình. HĐTV, Ban Tổng giám đốc PVN không được quyền can thiệp vào quyền của PVPower”, bị cáo Thăng nói.

Theo bị cáo, khi chuyển chủ đầu tư từ PVPower về PVN, PVN đã hoàn thành đầy đủ pháp lý, rà soát và ký lại hợp đồng EPC mới.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp hỏi đại diện ủy quyền của PVN về số liệu thiệt hại. Đại diện PVN cho biết, để xác định thiệt hại rất khó, đồng thời yêu cầu HĐXX quyết định các thiệt hại của PVN để xác định đúng quy định pháp luật.

Về tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, đại diện PVN cho biết, đã hoàn thành trên 81%. Do đây là dự án đầu tư có tầm quan trọng, yêu cầu cao, nhiều đơn vị tham gia, để có số liệu cụ thể cần có thời gian.

Đại diện PVC cho biết, tính đến ngày 13/9/2016, PVC đã thu hồi tiền tạm ứng là 1.200 tỷ đồng. Nếu tính đến thời điểm hiện tại, con số này chắc chắc sẽ lớn hơn. Cơ cấu vốn bù đắp bằng nguồn vốn tăng vốn điều lệ (317 tỷ đồng), nguồn thoái vốn thu hồi từ dự án khác (514 tỷ đồng) và chi phí quản lý phục vụ dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (409 tỷ đồng). 

Tin bài liên quan