Bị cáo Chương (bên trái) - ảnh: Thông tấn xã

Bị cáo Chương (bên trái) - ảnh: Thông tấn xã

Đại án PVC: Nguyên Trưởng ban quản lý khai “tình thế bất đắc dĩ, một mình tôi đơn thân“

(ĐTCK) Nguyên Trưởng ban quản lý dự án cho rằng, nếu không ký ủy nhiệm chi tạm ứng thì sẽ bị nói là nhũng nhiễu nhà thầu, cản trở dự án.

Sáng 11/1, phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại PVC tiếp tục phần xét hỏi, làm rõ việc chuyển tiền tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC.

Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 khai nhận, Ban quản lý dự án là đơn vị hạch toán phụ thuộc vào Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). Khi bị cáo được bổ nhiệm, hợp đồng EPC số 33 đã được ký và dự án đã khởi công.

Luật sư  hỏi: Vì sao Công văn 378 (báo cáo của Ban quản lý về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) ông gửi về Tập đoàn có đóng dấu mật? Theo quan điểm của tôi, đây là dấu hiệu bất thường cho một vụ việc bình thường. Tại sao ông làm như vậy?

Bị cáo Chương khai: Vấn đề này tôi đã trình bày với HĐXX, chẳng qua là tình thế bất đắc dĩ, một mình tôi đơn thân vì tình thế cấp bách.

Luật sư: Tức là một mình ông nêu ra bất cập, không được Tập đoàn quan tâm?

Bị cáo Chương: Mọi biện pháp tôi đã làm nhưng không có kết quả. Tôi phải thực thi mệnh lệnh của cấp trên theo chủ trương, tôi không có ý chí về việc tạm ứng này. Trước áp lực ở phía trên, tôi là mắt xích nhỏ, việc làm quyết liệt của Tập đoàn dẫn đến quyết định sai thì cấp trên phải chịu trách nhiệm. Tôi không ký thì họ sẽ nói tôi nhũng nhiễu nhà thầu, cản trở dự án.

Nguyên Trưởng ban quản lý dự án cũng cho biết, sau khi chuyển tiền, bị cáo có công văn yêu cầu tổng thầu phải báo cáo việc sử dụng vốn tạm ứng, nhưng không có hồi âm. Đến tháng 9/2011, tổng thầu có công văn thừa nhận việc sử dụng trái mục đích. Cuối 2011, bị cáo ra lệnh phải hoàn trả tạm ứng nhà thầu.

Trả lời luật sư, bị cáo Vũ Hồng Chương nhiều lần cho rằng, biết việc tạm ứng là vi phạm Nghị định 48, nhưng không có cách nào khác.

Trước những câu trả lời của cấp dưới, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) khẳng định, việc thúc ép tiến độ là cần thiết. Tuy nhiên, trong tất cả chỉ đạo đều yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng pháp luật. Không vì bất kỳ lý do nào mà làm sai.

Theo cáo buộc, biết rõ hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện, việc lãnh đạo PVN chỉ đạo tạm ứng là trái quy định, nhưng Vũ Hồng Chương vẫn lập các thủ tục chi tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước 119 tỷ đồng.

Đến ngày 20/9/2011, PVN ký thanh lý hợp đồng 33, trong đó xác nhận số tiền tạm ứng trên. Sau khi có các báo cáo về việc PVC sử dụng tiền sai mục đích, ngày 20/3/2012, Vũ Hồng Chương yêu cầu PVC hoàn trả lại tiền tạm ứng. Tuy nhiên, đến ngày 20/11/2012, Ban Quản lý dự án mới bắt đầu thu hồi được khoản đầu tiên. Kết quả điều tra thể hiện, đến ngày 22/11/2017 mới thu hồi được 1.087 tỷ đồng. 

Tin bài liên quan