Bị cáo Vũ Đức Thuận (Ảnh: vnexpress)

Bị cáo Vũ Đức Thuận (Ảnh: vnexpress)

Đại án PVC: Chi sai nghìn tỷ vì áp lực trả nợ ngân hàng

(ĐTCK) Hội đồng Xét xử (HĐXX) yêu cầu cách ly bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và tiến hành thẩm vấn bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC).

Chiều 8/1, phiên tòa xét xử vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bước vào phần xét hỏi. HĐXX yêu cầu cách ly bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và tiến hành thẩm vấn bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC).

Viện KSND đã truy tố các bị cáo về hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước trong việc triển khai, lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC của Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Theo cáo trạng, năm 2007, Bộ Công thương có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể Trung tâm Điện lực Thái Bình gồm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 và 2. PVN giao cho PVPower thực hiện đầu tư dự án (tổng mức đầu tư sau thuế là 31.505 tỷ đồng)

Cuối năm 2010, PVN thay đổi công nghệ lò hơi của nhà máy nên phải hiệu chỉnh thiết kế cơ sở, dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật.

Sau khi thiết kế cơ sở hiệu chỉnh được phê duyệt, ngày 28/2/2011, ông Vũ Huy Quang (Tổng giám đốc PVPower) và Vũ Đức Thuận (Tổng giám đốc PVC) ký hợp đồng EPC số 33 về thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trình… Hợp đồng này chỉ có 8 trang giấy A4, không theo mẫu hợp đồng, căn cứ pháp lý là các quyết định thực chất không được các bên ban hành.

Ngày 13/5/2011, PVN, PVPower và PVC ký hợp đồng số 4194 chuyển đổi chủ thể hợp đồng EPC từ PVPower sang PVN là chủ đầu tư.  Ngày 11/10/2011, PVN ký lại hợp đồng tổng thầu với PVC thi công gói thầu EPC.

Nguyên Tổng giám đốc PVC khai nhận, hợp đồng EPC số 33 ký chưa có thiết kế, kỹ thuật, duyệt tổng dự toán và hồ sơ đề xuất chưa đầy đủ theo quy định. Hợp đồng chưa đầy đủ nhưng vẫn ký kết vì bị cáo đã xin ý kiến chủ tịch HĐQT.

Bị cáo khai nhận, bối cảnh thời điểm ký hợp đồng, PVC rất khó khăn về tài chính, nên cần có tiền trả nợ ngân hàng và sử dụng một số mục đích khác. Khi đó, tái cấu trúc tập đoàn, một số dự án chuyển về cho PVC từ các đơn vị thành viên làm tình hình của PVC càng xấu đi.

Cáo trạng thể hiện, xuất phát từ các khoản nợ xấu tại Công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC), ông Đinh La Thăng ký Nghị quyết số 066 giao cho PVC nhận lại 5 dự án do PVFC đã góp vốn đầu tư (tổng giá trị là 793 tỷ đồng).

Bị cáo Vũ Đức Thuận cho rằng, theo Nghị định 09 về quản lý vốn nhà nước, việc giao dự án thua lỗ từ PVFC cho PVC là không đúng. Tuy nhiên bị cáo thừa nhận, PVC chuyên xây lắp công trình trong ngành dầu khí, khi thực hiện các dự án chưa có kinh nghiệm.

Mặc dù hợp đồng được lập không đúng quy định nhưng PVN cấp tạm ứng cho PVC số tiền 1.317 tỷ đồng và 6,6 triệu USD. Trong đó, PVC chi 1.115 tỷ đồng

Bị cáo Vũ Đức Thuận khai nhận, phần lớn số tiền tạm ứng được sử dụng trả gốc lãi ngân hàng, góp vốn các đơn vị, chuyển tiền sang các dự án khác. Mỗi lần tiền chuyển về kế toán trưởng, phó giám đốc tài chính báo cáo HĐQT xin ý kiến và được đồng ý thì mới thực hiện. Việc sử dụng sai mục đích là do nhận thức cá nhân bị cáo chưa rõ, chủ yếu là vì áp lực nợ ngân hàng.

Bị cáo Phạm Tiến Đạt, kế toán trưởng PVC cũng khai nhận, theo báo cáo đầu tư, tổng dòng tiền đầu tư của PVC vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ làm mất cân đối dòng tiền đầu tư. Từ năm 2011, PVC phải trích lập dự phòng tài chính các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác.

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc PVC phụ trách tài chính cho rằng, theo góc độ tài chính việc tạm sử dụng rồi hoàn trả lại; thực tế bị cáo tích cực hoàn trả lại số tiền.

Tin bài liên quan