Đại án Hà Văn Thắm: Gia đình Nguyễn Xuân Sơn xin lấy tài sản khắc phục hậu quả

(ĐTCK) Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn gồm vợ, bố đẻ, mẹ đẻ gửi đơn đề nghị lấy tài sản của mình để bồi thường cho bị cáo, hy vọng cho người thân thoát án tử hình.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: TTXVN

Sáng 24/4, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm chuyển sang phần xem xét đơn kháng cáo của những người có quyền lợi liên quan.

Trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình bị cáo Nguyễn Xuân Sơn gồm vợ, bố đẻ, mẹ đẻ gửi đơn đề nghị lấy tài sản của mình để bồi thường cho bị cáo, hy vọng cho người thân thoát án tử hình.

Bà Võ Thị Thanh Xuân trình bày: “Khi tòa sơ thẩm tuyên chồng tôi lĩnh án tử hình, gia đình đã có rất nhiều nỗi lo. Gia đình có niềm tin HĐXX xem xét khách quan, thấu đáo, đặc biệt chồng tôi có tham ô tài sản không? Tôi rất mong tòa tuyên bố chồng tôi không tham ô.

Tôi xin sử dụng một phần tài sản riêng để hỗ trợ, đền bù cho chồng tôi được sống, dù trong cảnh tù đầy. Còn một phần tài sản nữa tôi xin cho mẹ và gia đình để đảm bảo cuộc sống…”. Trước khi kết lời, bà Xuân khóc nghẹn.

Chủ tọa giải thích khắc phục hậu quả là tình tiết giảm nhẹ nhất là tội tham ô tài sản. Nếu khắc phục 3/4 hậu quả sẽ được giảm từ tử hình xuống chung thân.

Mặt khác, bà Xuân đề nghị lấy lại khoản tiền 2,6 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn chuyển vào tài khoản Oceanbank để đặt cọc mua căn hộ Dự án Star City (đường Nguyễn Văn Lương, Hà Nội).

“Giữa chồng tôi và anh Thắm có giao dịch gì đấy. Chúng tôi đã đặt cọc 2,6 tỷ đồng đứng tên con trai mua lại cả một sàn nhưng sau đó chủ đầu tư bán căn hộ cho đối tượng khác. Số tiền này hiện vẫn đang treo trong tài khoản của Oceanbank”,  bà Xuân nói thêm.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lĩnh án tử hình về tội Tham ô tài sản vì chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền nhà nước do PVN đại diện quản lý (tương đương 20% vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank - PV)

Cơ quan điều tra kê biên nhiều tài sản là cổ phiếu, nhà đất, căn hộ của bị cáo. Trong đó, có nhiều cổ phần, cổ phiếu Sơn nhờ cháu ruột là Nguyễn Xuân Thắng (nguyên Phó giám đốc Khối Khách hàng lớn và đối tác chiến lược, Oceanbank) đứng tên gồm: 35.927 cổ phiếu DCM (Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau); 354.900 cổ phần của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB); 600.000 cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại và công nghệ dầu khí Việt Phát.

Cơ quan điều tra cũng kê biên 3 nhà đất của bị cáo Sơn, gồm một căn hộ tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) và nhà ở tại phường Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) do vợ chồng Nguyễn Xuân Sơn đứng tên; một căn hộ tại Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) do Sơn thanh toán tiền nhưng nhờ Nguyễn Xuân Thắng đứng tên trên hợp đồng mua bán. Việc xử lý các tài sản này còn liên quan đến người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.

Cổ đông đề nghị các đơn vị nhận tiền bồi thường

Trước tòa, sáng nay, bà Lâm Khánh Hồng - đại diện Công ty TNHH VNT (cổ đông chiếm 20% vốn điều lệ của Oceanbank cũ) đề nghị tòa án phúc thẩm xem xét quyền lợi của VNT ngang bằng với PVN.

VNT lý giải: “Chúng tôi cũng là cổ đông, khi Oceanbank bị mua bắt buộc, chúng tôi là bên bán nhưng không được có ý kiến, đương nhiên bị mất vốn. Tòa án xác định PVN được hoàn trả 49 tỷ đồng thì cần xem xét sự công bằng cho chúng tôi”.

Yêu cầu của VNT là đòi bồi thường 20% cổ phần trong số tiền 246 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt, tương đương với 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có điều kiện thực hiện, VNT đề nghị tòa án tuyên buộc các đơn vị nhận tiền bất hợp pháp phải hoàn trả tiền.

Chủ tọa đặt vấn đề: “Đòi hỏi này có lý nhưng thực tế khó khả thi vì nó diễn ra trên toàn quốc. Họ là đối tượng được Oceanbank “tặng thưởng”, “cảm ơn” thì không dễ gì để đòi lại. Để triển khai việc này không dễ dàng gì, nên nếu tòa án ra bản án buộc những người này bồi thường sẽ không khả thi lắm. Sau bản án này đương nhiên có hiệu lực pháp luật ngay và có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề này ra sẽ rất phức tạp. Các bà có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác. Nếu có chăng tòa sẽ xem xét yêu cầu đòi 49 tỷ đồng của VNT”.

VNT cho rằng: “Việc này khó nhưng không thể không thực hiện được vì Oceanbank có danh sách để thu hồi. Việc này khả thi hơn là việc các bị cáo bồi thường”.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Đại Dương (OGC) có nội dung kháng cáo như trên và không có ý kiến thêm.

Tin bài liên quan