Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên trái) và Đinh Mạnh Thắng. Ảnh: báo Công an

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (bên trái) và Đinh Mạnh Thắng. Ảnh: báo Công an

Cựu lãnh đạo PVP Land bị Trịnh Xuân Thanh cắt chức như nào?

(ĐTCK) Bị cáo Đào Duy Phong khai nhận, ngày 28/4, ngay sau khi thực hiện xong việc chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza, bị cáo Trịnh Xuân Thanh rút bị cáo là người đại diện phần vốn góp của PVP Land sau cuộc họp ĐHĐCĐ của PVC.

"Bị cáo mất việc luôn"

Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC) đã ký Nghị quyết số 411 và số 427/NQ-XLDK có nội dung chấp thuận phương án chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza theo giá 34 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 16,4 triệu USD và thấp hơn giá trị 25 triệu USD đã được kết luận ngày 10/02/2010).

Bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5) có lời khai thể hiện, ngày 5/4/2010, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bị cáo và Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu kế toán trưởng Công ty 1/5) đã mời các cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới) ăn trưa tại nhà hàng My Way trên đường Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội.

Tại cuộc gặp này có sự xuất hiện của Trịnh Xuân Thanh, Thanh có hỏi Bình đã ký hợp đồng chưa, Thanh nói nếu Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh không ký hợp đồng thì sẽ cách chức.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã thẩm tra bị cáo Đào Duy Phong (nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land) và Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land) về lời cáo buộc trên.

Bị cáo Đào Duy Phong khai nhận, ngày 28/4, ngay sau khi thực hiện xong việc chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza, bị cáo Trịnh Xuân Thanh rút bị cáo là người đại diện phần vốn góp của PVP Land sau cuộc họp ĐHĐCĐ của PVC.

“Bị cáo mất việc luôn. Bị cáo cũng không biết lý do, không có quyết định, Trưởng ban tổ chức gọi bị cáo lên phòng nói Chủ tịch Thanh có ý kiến rút anh khỏi PVP Land. Sau đó bị cáo đến nhà anh Đinh La Thăng, anh Thăng nói anh Thanh báo cáo tôi rồi và tôi đồng ý”, bị cáo Phong khai.

Sau đó, bị cáo Phong trả lời lại là có quyết định rút bị cáo là người đại diện phần vốn góp. Quyết định này được lưu tại PVC.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh nói không biết chuyện bị cáo Trịnh Xuân Thanh dọa cách chức.

Cựu lãnh đạo PVP Land bị Trịnh Xuân Thanh cắt chức như nào? ảnh 1

 Bị cáo Đào Duy Phong. Ảnh TTXVN.

Phí môi giới 22 tỷ đồng

Trả lời luật sư Nguyễn Hoàng Hải, bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới) khai nhận, bị cáo tiếp nhận thông tin từ Đặng Sỹ Hùng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch PVP Land, đã chết – PV) thông báo giá chuyển nhượng dự án Nam Đàn Plaza là 52 triệu đồng/m2.

Bị cáo gặp Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và thỏa thuận giá mua là 57 triệu đồng/m2. Nếu thương vụ thành công, bị cáo hưởng phí môi giới khoảng 2 triệu đồng/m2, tổng cộng khoảng 22 tỷ đồng.

Bị cáo Duy khẳng định, sau khi Lê Hòa Bình ký hợp đồng đặt cọc với các cổ đông sáng lập Công ty Xuyên Thái Bình Dương, trách nhiệm của bị cáo kết thúc ngày 27/3.

“Chưa bao giờ bị cáo được tham gia các giao dịch sau đó. Giao dịch ký hợp đồng đặt cọc giữa Công ty Minh Ngân (pháp nhân của Lê Hòa Bình) và PVP Land, bị cáo không biết cho đến khi bị khởi tố.

Mục đích của bị cáo là hưởng phí môi giới. Có hợp đồng ký giá thấp hơn, bị cáo không quan tâm. Bị cáo không biết hợp đồng chuyển nhượng của PVP Land. Bị cáo không hiểu vì sao các bị cáo khác khai là bị cáo biết trong khi bị cáo không được đàm phán gì với họ”, bị cáo Duy phủ nhận hành vi bị truy tố.

Có mặt tại tòa, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư nhà đất Việt – nguyên đơn dân sự (trước đó là PVP Land) cho biết, hậu quả chuyển nhượng cổ phần đã được Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên trong bản án và có hiệu lực pháp luật. Hiện nay, doanh nghiệp rất khó khăn, công ty đang sắp xếp để thi hành bản án trên. Công ty đề nghị HĐXX xét xử đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi của Công ty.

Được biết, với hành vi bán cổ phần giá thấp, PVP Land bị thiệt hại 45 tỷ đồng.

Cuối giờ sáng nay, HĐXX kết thúc phần xét hỏi để chuyển sang phần tranh luận sau 2 ngày xét xử.

Luật sư Nguyễn Văn Quynh nêu ý kiến, theo luật tố tụng mới, các bị cáo có quyền hỏi.

"HĐXX tuyên bố kết thúc phần hỏi, tôi cũng nhắc HĐXX phần đó để có bị cáo còn tham gia phần hỏi được thực hiện quyền của mình", luật sư ý kiến.

Do đó, trước khi kết thúc phiên xét xử, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị hỏi bị cáo Hương, Thắng để làm rõ việc chuyển tiền. Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vietsan) khẳng định việc chuyển tiền 14 tỷ đồng là do bị Hùng nhờ. 

Hơn 12h phiên tòa mới nghỉ. 15h chiều nay, đại diện VKSND luận tội đối với các bị cáo. 

Trong phần xét hỏi, luật sư Nguyễn Văn Quynh (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh) đề nghị HĐXX công bố những bút lục lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5).

Trước yêu cầu trên, HĐXX cho rằng không cần thiết phải công bố thêm lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình.

“Ngày hôm qua, HĐXX đã công bố những bút lục là những lời khai chắt lọc quan trọng nhất của bị cáo Bình”, thẩm phán nói.

“Tôi không thỏa mãn, vì mỗi bút lục là dòng thời gian khác nhau, thể hiện ý chí khác nhau. Tôi thấy HĐXX cố tình đọc bút lục đơn giản nhất còn 2 bút lục tôi yêu cầu có nội dung liên quan làm rõ vai trò của bị cáo Thanh. Trong vụ án này, đến thời điểm này, chưa làm rõ ai chỉ đạo chuyển tiền 14 tỷ đồng cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, người giữ vai trò quan trọng nhất là bị cáo Đặng Sỹ Hùng . Đề nghị HĐXX công bố lời khai của bị cáo Bình”, luật sư Quynh nêu ý kiến.

Thẩm phán nói: “Đối với lời khai của Đặng Sỹ Hùng, HĐXX sẽ xem xét. Còn lời khai của bị cáo Bình, HĐXX đã công khai đầy đủ. Trong quá tình tranh luận, nếu cần thiết, luật sư có thể trình bày”.

Tin bài liên quan