Các bị cáo trong vụ án nguyên Phó thống đốc NHNN cho rằng, sai phạm chỉ là thiếu quyết liệt

Các bị cáo trong vụ án nguyên Phó thống đốc NHNN cho rằng, sai phạm chỉ là thiếu quyết liệt

(ĐTCK) Ngày 27/6, phiên tòa xét xử vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bước vào ngày thứ 3, tiếp tục với phần luật sư xét hỏi các bị cáo.

Bị cáo Hà Tấn Phước, nguyên tổ trưởng tổ giám sát NHNN cho rằng, với Ngân hàng Đại Tín – TrustBank (sau đó được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng – VNCB và nay là CBBank), Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Cơ quan giám sát thanh tra là đầu mối tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện đề án tái cơ cấu.

Bị cáo Phước khai, đối với khoản tiền gửi liên ngân hàng, sau khi phát hiện sai phạm, Tổ giám sát đã gửi báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý với Thống đốc NHNN.

Cáo trạng ghi nhận, bị cáo Phước có trách nhiệm liên quan đến việc giám sát đối với 7 giao dịch mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút tiền khỏi VNCB.

Sau quá trình điều tra, bị cáo Phước với trách nhiệm quyền hạn Tổ trưởng Tổ giám sát đã có hành vị thiếu trách nhiệm liên đới gây hậu quả thiệt hại số tiền 3.455 tỷ đồng bị Phạm Công Danh và đồng phạm rút khỏi VNCB để sử dụng không thu hồi được.

Tuy nhiên, bị cáo Phước cho biết, về khoản cho vay cầm cố sổ tiết kiệm (5.190 tỷ đồng) của nhóm Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quí Thanh – Chủ doanh nghiệp Tân Hiệp Phát), các giao dịch chuyển khoản, không có dòng tiền ra khỏi ngân hàng, nên không xem xét trách nhiệm của Tổ giám sát.

Đối với khoản vay 10 doanh nghiệp tại VNCB, Tổ giám sát không có nhiệm vụ quyết định mà chỉ đề xuất ý kiến. Khi mỗi lần phát sinh khoản vay, xuất hiện trên bảng cân đối thì tổ phát hiện ra, báo cáo tình hình nêu VNCB không xin ý kiến tổ giám sát mà cho vay.

Đối với hơn 3.000 tỷ đồng gửi liên thị trường 2, Tổ giám sát đã đồng ý với đề xuất của VNCB do tình hình thanh khoản ngân hàng thời điểm đó dư thừa.

Để xảy ra hậu quả tại VNCB, bản thân bị cáo Phước nhận thấy sai sót, không có quyết liệt do không có hướng dẫn cụ thể, nhưng bị cáo cho rằng, tổ giám sát đã có kiến nghị, đề xuất để ngặn chặn.

Bị cáo Ngô Văn Thanh, nguyên thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An không đồng ý với trách nhiệm về số tiền 10.000 tỷ đồng, chỉ chấp nhận sai phạm “chút đỉnh”, không cần thiết phải xử lý hình sự.

Bị cáo Thanh khai, có ký hợp đồng với Vietcombank, đồng thời khai chưa bao giờ làm Tổ trưởng tổ giám sát. Nhiệm vụ tổ viên không được ký báo cáo.

Khi thực hiện tại Tổ giám sát, bị cáo Thanh cho biết, không trực tiếp làm việc tại Vietcombank Long An nữa. Đồng thời, bị cáo không được điều động qua NHNN để tham gia giám sát, chỉ thị nhận nhiệm vụ theo Quyết định 11 chuyển công tác từ Vietcombank Long An sang Tổ giám sát.

Trong khi đó, theo cáo trạng, với trách nhiệm là người được giao nhiệm vụ xuyên suốt giúp Tổ trưởng Tổ giám sát theo dõi, giám sát các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên, bị cáo Ngô Văn Thanh, Tổ viên Tổ giám sát có liên quan trong việc Phạm Công Danh rút tiền của 12 giao dịch từ ngày 28/12/2012 đến ngày 10/3/2014.

Quá trình điều tra xác định, khoản 600 tỷ đồng cho Công ty Hưng Thịnh và Quốc Cường vay đã được tất toán và chuyển nợ có tài sản đảm bảo, do vậy không gây thiệt hại cho VNCB.

Cáo trạng cũng kết luận, bị cáo Ngô Văn Thanh có trách nhiệm trong việc Phạm Công Danh rút số tiền các khoản: 3 khoản tiền gửi thị trường 2 (liên ngân hàng), gồm 1.854 tỷ tại Sacombank và 3.070 tỷ tại BIDV, cùng khoản 1.706,12 tỷ đồng tại Tienphongbank gây thiệt hại 6.127 tỷ đồng cho VNCB; khoản vay của Công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc gây thiệt hại 471 tỷ đồng; khoản ủy thác Công ty Quỹ Lộc Việt gây thiệt hại 903 tỷ đồng; khoản tạm ứng thuê trụ sở 268 Tô Hiến Thành gây thiệt hại 182 tỷ đồng; khoản nâng cấp hệ thống corebanking gây thiệt hại 63 tỷ đồng; khoản rút tiền thông qua cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gây thiệt hại 300 tỷ đồng; khoản cho 10 doanh nghiệp vay 12 khoản kinh doanh vật liệu xây dựng gây thiệt hại 1.601 tỷ đồng; khoản thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh gây thiệt hại 400 tỷ đồng. Tổng cộng 10.047 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Thanh khai, tham gia Tổ giám sát từ tháng 2/2012 đến tháng 5/2014, chỉ một mình được phân công giám sát các khoản giải ngân trên 5 tỷ đồng. Về trách nhiệm giám sát theo quy định tại Quyết định 12/QĐ-NHNN của NHNN là giám sát trước khi chuyển tiền, nhưng do ngân hàng cố tình không báo cáo, nên bị cáo đã không giám sát trước được.

Bị cáo Phạm Thế Tuân (nguyên Tổ phó tổ giám sát, nguyên Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM) khai rằng, theo Quyết định 12, Tổ trưởng là người quyết định và ký báo cáo.

Luật sư Phạm Thanh Thảo, bào chữa cho bị cáo Phạm Thế Tuân hỏi đại diện NHNN, nội hàm của giám sát và kiểm soát, quy định Thông tư 08/2010 có quy định, tại sao lại thành lập Tổ giám sát theo Quyết dịnh 12?

Tuy nhiên, đại diện NHNN xin phép không trả lời, do đây là tài liệu bảo mật.

Liên quan đến Quyết định 12, trong phiên tòa chiều ngày 26/6, luật sư Trần Minh Hải (người bảo vệ quyền lợi lợi ích hợp pháp bị án Phạm Công Danh), bị cáo Đặng Thanh Bình (nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) nhấn mạnh, cho đến ngày hôm nay, chưa có một cơ quan nào đã có quyền xâm nhập vào tổ chức, theo dõi hoạt động của ngân hàng như Tổ giám sát tại VNCB.

Theo các bị cáo, cơ chế giám sát của Quyết định 12 được quy định giám sát đặc biệt được quy định chung cho ngân hàng, không thể hiện rõ trong Quyết định 12.

Bị cáo Đặng Thanh Bình cũng từng khẳng định, bị cáo là người ký Quyết định 12 và cho rằng, việc thành lập Tổ giám sát rất kịp thời và sáng suốt. Quyền lực Quyết định 12 thể hiện mối quan hệ giữa Tổ giám sát và NHNN chi nhánh Long An. Với việc một NHNN Long An nhỏ, kinh nghiệm không có nhiều thì cần sự phối hợp.

Khi phát hiện các sai phạm, Tổ giám sát có quyền đề nghị với chi nhánh NHNN Long An thì chi nhánh phải thực hiện thanh tra, giám sát Ngân hàng.

Tương tự, bị cáo Lê Văn Thanh cũng cho rằng, sai phạm của bị cáo là thiếu “quyết liệt” trong khi giám sát. Trả lời luật sư trong sáng ngày 27/6, bị cáo cho biết, việc VNCB xin cho vay 450 tỷ đồng, Tổ giám sát kiên quyết không chấp nhận, nhưng VNCB vẫn tự ý làm.

Theo đó, ngày 6/3/2014, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB có Tờ trình xin ý kiến Tổ giám sát cho tạm ứng 400 tỷ đồng thuê trụ sở 816 Sư Vạn Hạnh. Tổ giám sát NHNN đã yêu cầu VNCB chờ ý kiến chỉ đạo của NHNN Việt Nam và có chữ ký của Tổ trưởng Lê Văn Thanh, tuy nhiên, VNCB vẫn thực hiện.

Theo cáo trạng, bị cáo Thanh có trách nhiệm liên quan đến việc giám sát đối với 5 giao dịch mà Phạm Công Danh và đồng phạm rút tiền khỏi VNCB. Sau quá trình điều tra, bị cáo Phước cùng với các thành viên trong tổ giám sát với trách nhiệm quyền hạn Tổ trưởng Tổ giám sát đã có hành vị thiếu trách nhiệm liên đới gây hậu quả thiệt hại số tiền 6.592 tỷ đồng bị Phạm Công Danh và đồng phạm rút khỏi ngân hàng để sử dụng không thu hồi được.

Thế nhưng, bị cáo Lê Văn Thanh cho rằng, bản thân cảm thấy mình thiếu sót khi xảy ra vụ việc, nhưng đây cũng là tiền lệ và chưa có quy định cụ thể. Theo bị cáo, mình đã thiếu sót là không quyết liệt đeo bám ý kiến của mình cũng như của Tổ giám sát.

Tin bài liên quan