Cà Mau: Tài sản thế chấp ngân hàng đột nhiên bị kê biên xử lý cho người khác

(ĐTCK) Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau giải quyết một vụ kiện kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tín dụng. Theo đó, Ngân hàng TMCP Sacombank khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Thúy Kiều ở Cà Mau phải hoàn trả tiền gốc, lãi và xử lý tài sản thế chấp.

Đáng chú ý là tài sản này vốn đã bị Tòa án tuyên xử lý trong một vụ án dân sự khác.

Cụ thể, ngày 8/8/2018, Doanh nghiệp Tư nhân Xăng dầu Thúy Kiều do bà Ngô Thúy Kiều ký hợp đồng vay vốn Sacombank, số tiền 900 triệu đồng, lãi suất 11%/năm. 

Để đảm bảo cho khoản vay, vợ chồng bà Kiều ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là đất ở, đất nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. 

Ngày 6/12/2018, Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân ra quyết định kê biên tài sản đã thế chấp ngân hàng để thi hành một bản án khác. Lúc này, ngân hàng mới tá hỏa.

Hóa ra, trước ngày 8/8/2018 – hai bên ký hợp đồng thế chấp, ngày 7/8/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau đã ra bản án phúc thẩm giải quyết tranh chấp dân sự hợp đồng vay tiền giữa vợ chồng bà Thúy Kiều và một cá nhân khác. 

Bản án buộc vợ chồng bà Thúy Kiểu phải trả tiền cho người này. Chi cục thi hành án dân sự huyện Phú Tân đã cưỡng chế kê biên nhà, đất để thi hành án.

Trở lại với vụ kiện đòi nợ của ngân hàng, bản án sơ thẩm buộc vợ chồng bà Kiều phải trả nợ cho ngân hàng nhưng không chấp nhận cho ngân hàng được quyền ưu tiên thanh toán khi bán đấu giá tài sản.

Liên quan đến vụ việc, đại diện chi cục cho biết, bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật và được tuyên trước khi hợp đồng thế chấp được ký. Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, Chi cục thi hành án nhận thấy vợ chồng bà Kiều có điều kiện để thi hành án nhưng không thực hiện. Chi cục đã kê biên tài sản của vợ chồng bà Kiều trong đó có thửa đất nói trên.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng, cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng tiền thu được để thi hành án... thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án...

Chi cục thi hành án đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Người đã cho vợ chồng bà Kiều vay tiền và được giải quyết trong vụ án dân sự thì yêu cầu Chi cục thi hành án tiếp tục phát mãi tài sản để trả nợ. 

Trong khi đó, ngân hàng cho rằng, nhà đất nói trên đã được thế chấp cho ngân hàng từ ngày 1/8/2017 theo hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng. Đến năm 2018, hợp đồng hết hạn, bà Kiều xin vay tiếp. Ngân hàng đã thẩm định bất động sản và cấp tín dụng cho bà Kiều. 

Tài sản thế chấp năm 2017, 2018 đều là cùng là một nhà đất đó. Các hợp đồng thế chấp đều được đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó, ngân hàng đề nghị được ưu tiên thanh toán khi xử lý bán đấu giá tài sản này.

Ở cấp phúc thẩm, tòa án cho rằng ngân hàng đã quản lý tài sản thế chấp trong suốt thời gian từ ngày 1/8/2017 đến ngày 8/8/2018. Khi ngân hàng làm thủ tục cho vay lại thì không có văn bản nào ngăn cản việc cho vay vốn. Văn phòng đăng ký đất đai cũng xác nhận trước khi thế chấp nhà đất không bị kê biên.

Do đó, Tòa án buộc vợ chồng bà Kiều phải trả cho ngân hàng 1 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản của ngân hàng trong trường hợp vợ chồng bà Kiều không trả nợ.

Tin bài liên quan