Bị cáo Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank tại tòa

Bị cáo Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank tại tòa

Bóc tách sai phạm của các cựu lãnh đạo Sacombank

(ĐTCK) Sau gần 1 tuần xét xử đại án VNCB giai đoạn hai, 46 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB đã được đưa ra xét xử.

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng phạm liên quan ra sao đến các cựu lãnh đạo Sacombank, khiến cựu Phó chủ tịch Trầm Bê và nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang phải hầu tòa.

Theo cáo trạng, việc Trầm Bê, Phan Huy Khang là các lãnh đạo cấp cao của Sacombank ký duyệt cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng dẫn đến VNCB thiệt hại 1.835 tỷ đồng là vi phạm nhiều quy định.

Sau khi vay được 1.800 tỷ đồng từ Sacombank, ngày hôm sau, Phạm Công Danh chuyển 1.700 tỷ đồng đến BIDV chi nhánh sở giao dịch 2. Số tiền này dùng để trả 1.176 tỷ đồng cho món nợ 1.700 tỷ đồng mà các công ty của Danh vay năm 2012; chuyển 457,7 tỷ đồng sang BIDV chi nhánh Hải Vân để trả món nợ 900 tỷ đồng mà các công ty của Danh vay năm 2012.

Về việc vay vốn tại BIDV năm 2012, Phạm Công Danh là Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh đã đề nghị vay vốn cùng hồ sơ xin vay 2.000 tỷ đồng nhằm mục đích hỗ trợ tài chính để Tập đoàn nhận chuyển nhượng 5 lô đất thuộc Dự án Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng tại Sân vận động Chi Lăng, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, được UBND Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho 5 công ty của Danh gồm: Trung Dung, Bảo Gia, Đại Long, Toàn Tâm và Đại Hoàng Phương.

Tài sản đảm bảo tiền vay là 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 công ty trên và giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng của Tập đoàn Thiên Thanh. Sau khi BIDV giải ngân thì hầu hết các khoản tiền này được chuyển về tài khoản của Phạm Công Danh.

Tuy nhiên, về việc Sacombank cho bị cáo Danh vay 1.800 tỷ đồng, cơ quan điều tra đã trưng cầu Ngân hàng Nhà nước giám định để xác định hành vi, trách nhiệm và hậu quả trong việc gửi tiền, nhận tiền gửi để bảo lãnh, cho vay, thu nợ. Theo kết quả giám định, việc Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng có các sai phạm.

Cụ thể, việc Sacombank xem xét để quyết định cho vay khi chưa thẩm định nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng là thực hiện chưa đầy đủ các điều kiện cho vay; tại hợp đồng bảo lãnh, về phía Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của VNBC) chỉ có ông Phan Thành Mai là người đại diện theo pháp luật ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh và người thẩm định khoản bảo lãnh là không đúng quy định về thẩm quyền ký cam kết bảo lãnh.

Việc Sacombank xem xét và quyết định cho vay và Ngân hàng Đại Tín chưa thực hiện bảo đảm tiền vay theo đúng quy định về bảo lãnh là thực hiện chưa đầy đủ điều kiện cho vay... Do đó, việc bảo lãnh của VNCB cho 6 công ty vay vốn tại Sacombank đã gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.

Thế nhưng, trả lời chủ tọa phiên tòa trong những ngày qua, bị cáo Trầm Bê, cựu Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank cho rằng, việc cho vay khi có tiền gửi làm tài sản đảm bảo là phù hợp quy định.

Ông Danh là Chủ tịch VNCB có thể vay được vốn và nếu không vay được ngân hàng này thì có thể vay được ở ngân hàng khác, vì có tài sản đảm bảo là vay được tiền.

Khi tòa hỏi, bị cáo có biết những điều kiện tiên quyết để cho vay là gì không, ông Trầm Bê trả lời rằng, bị cáo có chỉ đạo xuống cấp dưới là nếu có đầy đủ điều kiện thì đồng ý cho vay.

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa về việc bị cáo có biết Ngân hàng Đại Tín dùng gì để bảo lãnh cho khoản vay 1.800 tỷ đồng hay không, thì bị cáo Trầm Bê trả lời không biết và có chỉ đạo xuống cho cấp dưới xử lý.

Bị cáo Trầm Bê cho hay, không phải không quan tâm đến phương án kinh doanh và mục đích vay vốn của khách hàng, mà giao cho Tổng giám đốc thực hiện các nghiệp vụ khác. Bị cáo chỉ muốn kiếm lời. Khi làm xong việc đó thì bị cáo không theo dõi vấn đề đó nữa, mà giao cho các cấp thực hiện.

Đáp lại, đại diện Hội đồng xét xử nói, đó là nhận thức của bị cáo, nhưng thực tế luật quy định rất nhiều nội dung liên quan điều kiện tiên quyết để cho vay, không chỉ là tài sản đảm bảo.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của tòa, cựu Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang nói rằng, khi thấy lãnh đạo (Trầm Bê) chỉ đạo về mặt chủ trương, chỉ đạo xem xét cho vay, thì thực hiện, đồng thời đưa chủ trương của lãnh đạo (Trầm Bê) xuống các phòng ban phụ trách tín dụng triển khai tiếp. Có thể có sự sơ sót của các bộ phận nghiệp vụ trong việc xét duyệt các phương án cho vay.

Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc khi có diễn biến mới.

Tin bài liên quan