Bị cáo Hải.

Bị cáo Hải.

Bi hài vụ tiến sỹ “học làm giàu” huy động vốn 2.700 tỷ đồng: Bị hại bênh bị cáo

(ĐTCK) Rất nhiều người có ý kiến “lạ đời” khi cho rằng họ không tố cáo, ông chủ trang mạng “học làm giàu” không lừa đảo, vì sao họ lại có tên trong danh sách bị hại?

Từ ngày 16/5, TAND TP. Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở quận Hà Đông, nguyên là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP thương mại đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế - IDT, chủ trang mạng Học làm giàu) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án này ghi nhận số lượng nhà đầu tư lên tới hơn 2.574 người, với số tiền huy động vốn hơn 2.700 tỷ đồng, nhưng toàn bộ kịch bản chỉ do một mình Phạm Thanh Hải “đạo diễn”. Điều này khá lạ so với những vụ án lừa đảo tinh vi, số lượng đặc biệt lớn.

Theo truy tố, Hải là tiến sỹ vật lý, cựu lãnh đạo IDT. Trong giấy phép đăng ký kinh doanh, IDT không có nội dung huy động vốn. Sau một thời gian hoạt động trên mạng internet không có hiệu quả, Hải bắt đầu huy động vốn cho cá nhân. Song tất cả hoạt động giới thiệu, quảng bá để thu hút nhà đầu tư, Hải đều thông qua danh nghĩa IDT và tổ chức hội thảo tại trụ sở công ty.

Trong các buổi hội thảo, Hải quảng bá rầm rộ IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây “tỷ đô”. Để chứng minh lời quảng bá, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất từ 40-50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền. Hải cũng chi đậm từ 2-10% tiền thưởng kết nối, môi giới nhằm khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn. Huy động vốn được thể hiện dưới dạng hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng ủy thác đầu tư…

Bi hài vụ tiến sỹ “học làm giàu” huy động vốn 2.700 tỷ đồng: Bị hại bênh bị cáo ảnh 1

 Hàng trăm bị hại tham dự phiên tòa.

Chỉ trong 1 năm (tháng 10/2014-10/2015), Phạm Thanh Hải huy động số tiền hơn 2.700 tỷ đồng của 2.574 người với tổng số 8.303 hợp đồng.

Số tiền này Hải sử dụng phần rất nhỏ là 114 tỷ đồng để góp vốn vào một số công ty, dự án với danh nghĩa cá nhân và cho vay cá nhân 22,9 tỷ đồng. Kết quả điều tra, các dự án đều mới thành lập, không hiệu quả, không có khả năng sinh lời và không phải là dự án của IDT như lời quảng bá.

Dòng tiền huy động rất lớn nhưng Hải không quản lý thu, chi theo sổ sách. Càng về sau, số lượng người đến nộp tiền càng lớn. Số tiền gốc, lãi và chi phí hàng tháng cũng đội thêm hàng trăm tỷ đồng. Vị tiến sỹ vật lý tiếp tục dùng thủ đoạn trên huy động vốn của những nhà đầu tư mới, lấy tiền người sau để trả cho người trước, tránh hệ thống bị đổ vỡ.  

Cơ quan điều tra đã nhận được nhiều đơn đề nghị, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thanh Hải. Những người này khẳng định, nếu biết việc đầu tư cho cá nhân Hải thì họ không đồng ý tham gia. Có người, sau khi ký hợp đồng chưa nhận được tiền lãi như cam kết.

Bên cạnh đó, có nhóm bị hại khác lại từ chối làm việc với cơ quan điều tra, thậm chí có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải được tại ngoại. Ngay tại tòa, một số người có ý kiến cho rằng “họ không tố cáo, ông Hải không lừa đảo, vì sao họ lại có tên trong danh sách bị hại”?  

Đặc biệt, quá trình xét hỏi, bị hại đều vỗ tay rần rần trước những câu hỏi, lời khai theo hướng có lợi cho bị cáo khiến chủ tọa phải nhiều lần nhắc nhở.

Trong khi đó, lời khai trước tòa, bị cáo Phạm Thanh Hải cho rằng, đến năm 2018, dự án “học làm giàu” có khả năng sinh lời tỷ đô la.

Theo danh sách, hiện có 508 người ủy quyền cho 490 người có đơn đề nghị bảo vệ quyền lợi số tiền 594 tỷ đồng (gồm cả gốc và lãi). Tòa án xác định những người này là bị hại của vụ án.

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 21/5/2018.

Tin bài liên quan