Bị bắt giam vẫn có chữ ký trong hợp đồng thế chấp

Bị bắt giam vẫn có chữ ký trong hợp đồng thế chấp

(ĐTCK) Ngày 16/12/2015, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Được biết, 2 năm trước, BIDV đã có đơn khởi kiện đối với Công ty TNHH Gia La (địa chỉ tại thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) xung quanh việc tranh chấp Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427.

Theo đó, tháng 4/2011, do nhu cầu vay vốn kinh doanh ngành nghề giặt là, ông Nguyễn Văn Mùi, Giám đốc Công ty TNHH Gia La đã ký Hợp đồng tín dụng hạn mức số 427 vay BIDV số tiền 400 triệu đồng. 5 tháng sau, Công ty vay thêm 700 triệu đồng.

Ngân hàng đã đồng ý cho vay với tổng số tiền là 1,1 tỷ đồng. Thời hạn vay là 10 tháng, lãi suất vay 19%/năm tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng và lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo thông báo của BIDV Tây Hà Nội tại từng thời điểm.

Lãi suất nợ quá hạn là 150% lãi suất trong hạn (lãi suất vay đã được điều chỉnh nếu có). Hàng tháng, bên vay phải trả tiền lãi và đến thời hạn trả hết tiền gốc, nếu đến hạn không trả nợ sẽ chuyển sang nợ quá hạn.

Tài sản đảm bảo cho khoản vay là nhà và đất đứng tên hộ gia đình ông Trương Văn Ý (anh trai ông Mùi). Hộ gia đình gồm 4 người, diện tích đất 467,6m2 tại thôn Gia Trung, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Thực hiện hợp đồng trên, BIDV đã tiến hành giải ngân 1,1 tỷ đồng theo 2 khế ước. Sau một thời gian kinh doanh, Công ty Gia La làm ăn thua lỗ, không trả được nợ gốc và lãi. Quá hạn thanh toán, Ngân hàng đã gửi đơn đến tòa, đề nghị Công ty phải thanh toán khoản nợ trên.

BIDV tạm tính khoản nợ đến ngày 1/7/2013 được xác định là gần 1,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 1,1 tỷ đồng; nợ lãi là hơn 363 triệu đồng.

Mặc dù vắng mặt bị đơn và những người có nghĩa vụ liên quan, song phiên tòa sơ thẩm (tháng 12/2014) vẫn diễn ra. Theo đó, Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh tuyên bố chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng, buộc bị đơn phải hoàn trả tiền nợ, tính đến ngày 30/12/2014, tổng cộng là 1,8 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị phát mại tài sản để thu hồi nợ.

 Theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng: “Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên”.   

Sau phiên tòa trên, ông Trương Văn Ý kháng cáo toàn bộ bản án. Trước Hội đồng xét xử phúc thẩm (Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội), ông Ý trình bày, hồi tháng 8/2010, con trai ông bị bắt và phải thụ án về hành vi Chống người thi hành công vụ (thời gian là 3 năm tù). Do đó, tại thời điểm hợp đồng thế chấp được thiết lập vào tháng 4/2011, con trai ông không có mặt ở nhà để ký vào hợp đồng. Bản công chứng có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong gia đình ông là không chính xác.

“Con tôi không có mặt nhưng lại có chữ ký là không thể xảy ra”, ông Ý nói.

Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi của ông Ý đã cung cấp tài liệu thể hiện trong quá trình cấp sơ thẩm thụ lý, thân chủ của ông không được tòa tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ông Ý cũng cho biết chỉ được triệu tập 2 lần để lấy lời khai về chương trình vay và lịch trình trả nợ.

Với 2 lý do nêu trên, ông Ý đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, giám định lại chữ ký. Đặc biệt, bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Mê Linh cũng bị Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội kháng nghị theo hướng hủy án để xét xử lại. Nguyên do là cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng vì không đưa một số thành viên trong gia đình ông Ý tham gia tố tụng.

Tại phiên tòa, hai bên đương sự tranh luận khá căng thẳng. Luật sư bảo vệ quyền lợi của người có nghĩa vụ, người liên quan khẳng định tòa sơ thẩm đã không thu thập đầy đủ chứng cứ.

Phản bác các quan điểm của bên đối phương, phía nguyên đơn cho rằng, gia đình ông Ý không đến dự phiên tòa sơ thẩm là lỗi chủ quan, thậm chí là hành vi cản trở hoạt động tố tụng hợp pháp. Còn vấn đề tòa án sơ thẩm không trưng cầu giám định chữ ký là không trái luật, bởi lẽ không có đơn yêu cầu hoặc tố cáo.

Sau khi xem xét lời khai và diễn biến tại tòa, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội chấp nhận đơn kháng cáo và nội dung kháng nghị, quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Đồng thời kiến nghị cấp sơ thẩm cần thiết đưa phòng công chứng tham gia tố tụng và giám định chữ ký nhằm xác định tính hiệu lực của hợp đồng thế chấp, cũng như xem xét trách nhiệm các bên liên quan để giải quyết triệt để vụ án.     

Tin bài liên quan