Các bị cáo tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Các bị cáo tại tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Bắt đầu xét xử vụ án xảy ra tại PVC

(ĐTCK) Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng.

Sáng nay (8/1), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC.

21 bị cáo hầu tòa, trong đó bị cáo Đinh La Thăng (SN 1960, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) bị truy tố với tội danh Cố ý làm trái quy định; bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả hai tội danh trên.

Hội đồng xét xử (HĐXX) gồm 5 ngồi, chủ tọa là thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Ngoài ra, tòa án cũng bố trí một thẩm phán dự khuyết và 2 Hội thẩm nhân dân sự khuyết.

Có 42 luật sư tham gia, trong đó ông Thăng có ba luật sư bào chữa gồm luật sư Nguyễn Huy Thiệp, luật sư Đào Hữu Đăng, luật sư Phan Trung Hoài. Ông Trịnh Xuân Thanh có 5 luật sư bào chữa.

PVN và PVC tham gia với tư cách nguyên đơn dân sự. Ngoài ra, có 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 31 người làm chứng và 6 người tham gia giám định.

TAND TP Hà Nội áp dụng thông tư mới về phòng xử án do đó phiên tòa không có vành móng ngựa.

Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC cũng nộp hơn 3 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra kê biên biệt thự, căn hộ và xe ô tô Mazda của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, giao cho con trai bị cáo này bảo quản.

Theo yêu cầu của cơ quan điều tra, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam rà soát, phong tỏa chứng khoán do vợ chồng Trịnh Xuân Thanh, không cho chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu.

Theo cáo buộc, khi thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, các bị cáo đã làm trái các quy định của Nhà nước trong việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng EPC và tạm ứng.

Tổng số tiền tạm ứng là 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng. Trong đó có 1.115 tỷ đồng được sử dụng trái mục đích. Qua giám định kết luận, các hành vi sai phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh và 9 đồng phạm đã lập khống hồ sơ, chứng từ thi công hạng mục của Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch, tham ô 13 tỷ đồng. Bản thân bị cáo Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng. 

Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến hết ngày 21/1.

Tin bài liên quan