Phân tích kỹ thuật: Kinh nghiệm cho năm 2010

Phân tích kỹ thuật: Kinh nghiệm cho năm 2010

(ĐTCK-online) Năm 2009 là năm nhiều biến động với TTCK Việt Nam. Đây cũng là năm đem lại nhiều trải nghiệm đối với những người thực hiện công việc phân tích kỹ thuật (PTKT). Một số kỹ thuật phân tích bắt đầu có hiệu quả ngày càng cao trên thị trường. Những tín hiệu mâu thuẫn trong quá trình phân tích cũng đã để lại nhiều kinh nghiệm thú vị.

Dự báo thị trường, đặc biệt đối với một thị trường mới nổi như Việt Nam, là một công việc khó khăn. Việc nhìn lại những tín hiệu kỹ thuật năm qua có thể rút ra nhiều điều bổ ích cho hoạt động dự báo thị trường trong năm 2010 và tương lai.

Bảng 1: Relative Strength Index (RSI) đã xuất hiện 3 lần phân kỳ quan trọng

Phân tích kỹ thuật: Kinh nghiệm cho năm 2010 ảnh 1

 

Những diễn biến đáng chú ý năm 2009

Tháng 7 và tháng 12/2009 có thể coi là những giai đoạn bi quan của thị trường. Cổ phiếu bị bán tháo và sự hoảng loạn khiến cho các chỉ số kỹ thuật liên tục duy trì tại vùng "bán quá mức" (oversold). Đó cũng là những giai đoạn mà hầu như các dự báo bi quan trở nên phổ biến trong những người làm PTKT. Khi đó, vùng 360 - 400 của VN-Index được đề cập như là những ngưỡng hỗ trợ cuối cùng. Diễn biến thực tế trên thị trường cho thấy, với những divergence xuất hiện liên tục, cộng với sự tồn tại các ngưỡng hỗ trợ của Fibonacci và một sự tích luỹ đủ dài về thời gian, đã kéo theo những chu kỳ tăng điểm ấn tượng sau đó.

Đối nghịch với hai giai đoạn trên là tháng 10/2009. Có thể nói, đây là giai đoạn thể hiện rõ nét sự hưng phấn quá mức của tâm lý thị trường. Giai đoạn này, một nhận định dường như được chấp nhận rộng rãi rằng VN-Index hầu như không có "ngưỡng cản trên" và mục tiêu 800 hoặc thậm chí 1.000 điểm là có thể sớm đạt được. Nhưng việc tăng điểm quá nóng của VN-Index đã làm cho một chu kỳ giảm điểm đến sớm ngay sau đó, với mức độ điều chỉnh đáng kể.

Trong khi đó, giai đoạn tháng 1 - 3/2009 có thể coi là "điểm mù" (blind spot) của PTKT, khi mà hầu như các chỉ báo kỹ thuật đều không cho nhiều tác dụng hữu ích. Điều này một phần không nhỏ là do tác động của tâm lý hoảng loạn sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong giai đoạn tháng 4 - 5/2009, việc tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường trở nên dễ dàng hơn. Khi đó, sự nhìn nhận về sóng Elliott thứ 3 trở nên rõ ràng và sự hình thành Head & Shoulder Pattern (mẫu hình vai-đầu-vai) cũng góp phần khẳng định một xu hướng tăng vững chắc.

Tất cả các giai đoạn đáng chú ý này đều đem lại nhiều kinh nghiệm hữu ích cho những người làm PTKT nói riêng và NĐT nói chung. Trước hết, có thể kể đến các divergence.

Bảng 2: Converging zone xuất hiện tại vùng 410 - 420 điểm

Bảng 2: Converging zone xuất hiện tại vùng 410 - 420 điểm

 

Tác dụng dự báo của bearish và bullish divergence

Ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc…, tâm lý NĐT thường diễn biến một cách thái quá. Vì vậy, việc dự báo các chỉ số như VN-Index, Hang Seng Index hay Shanghai Composite Index đơn thuần dựa vào các vùng overbought, oversold của RSI, MFI, CMF… có thể không đem lại hiệu quả cao. Thực tế là khi các chỉ số này tiến vào những vùng như vậy, việc tăng hoặc giảm giá dường như không diễn ra ngay lập tức. Thay vào đó, xu hướng hiện tại có thể duy trì thêm một thời gian. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc nguyên tắc "mua tại vùng oversold và bán tại vùng overbought", thì chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng bán non cổ phiếu hoặc bắt đáy quá sớm.

Một kỹ thuật tỏ ra có hiệu quả trong việc dự báo là ứng dụng bearish và bullish divergence. Trong năm 2009, Relative Strength Index (RSI) đã xuất hiện 3 lần phân kỳ quan trọng. Dựa vào các tín hiệu này, việc dự báo biến động giá trong một tương lai khá xa là có thể thực hiện được.

Tháng 7/2009, RSI xuất hiện bullish divergence. Khi VN-Index liên tục tạo đáy thấp hơn thì chỉ số này liên tục tạo ra những đáy cao hơn. Điều này hàm ý lực của thị trường đã bắt đầu có những cải thiện đáng kể dù chỉ số vẫn đang đi xuống. Kết quả sau đó cho thấy một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ và kéo dài suốt 3 tháng.

Trường hợp của tháng 10/2009 thì ngược lại. Hiện tượng "triple bearish divergence" xuất hiện. Không chỉ thiết lập hai đỉnh thấp hơn trong tháng 10/2009 mà RSI còn thiết lập ba đỉnh thấp dần đều, nếu xét toàn bộ giai đoạn tháng 8 - 10/2009. Tín hiệu này góp phần khẳng định cho sự kết thúc của sóng Elliott thứ 5 của sóng 1 lớn để bắt đầu bước vào 3 sóng hiệu chỉnh a, b, c của sóng 2 lớn.

Bảng 3: Sự hình thành của mô hình Head & Shoulder trên VN-Index

Bảng 3: Sự hình thành của mô hình Head & Shoulder trên VN-Index

Gần đây nhất là giai đoạn giữa tháng 12/2009. Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ khác như Fibonacci, SMA…, thì bullish divergence của RSI cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp những người PTKT dự báo đợt tăng giá vừa qua.

 

Converging zone tạo thành support và resistance zone vững chắc

Quay trở lại giai đoạn tháng 7/2009, VN-Index dường như rất dễ rơi xuống vùng 360 điểm sau khi lần lượt nhiều ngưỡng hỗ trợ quan trọng bị phá vỡ. Sự tin tưởng vào các ngưỡng chống đỡ Fibonacci bị lung lay.

Tuy nhiên, vùng 410 - 420 điểm là một trong những converging zone hiếm hoi xuất hiện trong năm vừa qua. Bên cạnh bullish divergence đã hình thành của RSI, vùng giá này cũng có thêm 3 yếu tố kỹ thuật hỗ trợ.

Fibonacci Retracement 38,2% của chu kỳ lớn và 50% của chu kỳ nhỏ chính là điểm gặp nhau giữa các NĐT ngắn hạn và dài hạn trên thị trường. NĐT dài hạn sẽ tham gia thị trường tại điểm Fibonacci Retracement 38,2% dài hạn, vì độ dốc của đường giá trên 30 độ cho thấy khả năng thoái lùi về mức này rất lớn. NĐT ngắn hạn cũng sẽ bắt đầu tham gia thị trường ở vùng giá được xác định bởi Fibonacci 50% và 61,8%. Nếu các ngưỡng này bị phá vỡ thì giá sẽ thoái lùi về vùng 300 - 320 điểm, khi mà những ngưỡng cản cuối cùng trong ngắn hạn bị phá vỡ.

Yếu tố thứ ba đã hỗ trợ cho VN-Index là Midterm Support Trendline. Đường này cũng góp phần hỗ trợ cho đường giá tại vùng 410 - 420 điểm. Sự hội tụ của 3 yếu tố này tạo thành một support zone có mức độ tin cậy cao.

Bảng 4: Sự thất bại của mô hình Head & Shoulder trên DOW JONES tháng 7/2009

Bảng 4: Sự thất bại của mô hình Head & Shoulder trên DOW JONES tháng 7/2009

 

Hiện tượng pullback và failure pattern

Mô hình Head & Shoulder không hoàn thành xuất hiện trên Dow Jones vào tháng 7/2009 đã phần nào khiến những người làm PTKT nghi ngờ về độ tin cậy của Head & Shoulder Pattern của VN-Index vào cuối tháng 11/2009. Sự nghi ngờ này không phải là không có cơ sở khi mà cả hai chỉ số này đều chạm vào Fibonacci Retracement 38,2% dài hạn, rồi sau đó bật lên mạnh mẽ.

Tuy vậy, thực tế cho thấy có hai điểm khác biệt. Trong trường hợp của Dow Jones, đường neckline hướng lên trên và tại breakpoint không có sự đột biến lớn về khối lượng. Trong khi Head & Shoulder Pattern của VN-Index có hệ số góc của neckline là -17.959 độ và khối lượng giao dịch là 60.888,832 đơn vị, đây có thể coi là mức đột biến so với mức trung bình 50.072,864 đơn vị của 5 phiên trước đó.

Điểm khác biệt thứ hai nằm ở những đường trung bình động (Moving Average) - một trong những công cụ đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất của PTKT. Khi hiện tượng pullback xảy ra vào giai đoạn 27/11/2009 - 02/12/2009 (giai đoạn khiến rất dễ liên tưởng đến một Head & Shoulder Failure) thì có một tín hiệu khác cũng xảy ra, đó là sell signal của SMA 25-days và SMA 100-days. Hai tuần trước đó, sell signal của SMA 25-days và SMA 50-days cũng đã xảy ra. Điều này không xuất hiện trên Dow Jones và kết quả là VN-Index đã phải đạt đến mức giá mục tiêu của Head & Shoulder Pattern (430 điểm) mới có thể quay đầu tăng điểm mạnh trở lại.

Nhìn chung, việc nhìn lại quá trình PTKT trong năm 2009 có thể cung cấp cho chúng ta hai trải nghiệm chủ yếu.

Thứ nhất, việc sử dụng đơn lẻ và cứng nhắc một công cụ là điều không nên làm trong PTKT, vì tất cả các công cụ kỹ thuật đều tồn tại các "điểm mù" riêng. Thay vào đó, sự tương quan và bổ trợ của những công cụ khác tỏ ra cần thiết và hữu hiệu để dự báo thị trường.

Thứ hai, những biến động giá ngắn hạn thường bị áp đảo bởi những xu hướng dài hạn. Việc quá quan tâm vào những dao động giá hàng ngày có thể làm NĐT xao lãng một yếu tố quan trọng của PTKT, đó là xu hướng của thị trường. Vì vậy, việc xác định xu hướng dài hạn nên được ưu tiên hàng đầu trong hành trình tìm kiếm lợi nhuận ở một thị trường mới nổi đầy biến động như Việt Nam.