Tại Hội thảo “Phát triển bền vững - Lựa chọn nào cho doanh nghiệp bảo hiểm?” do Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) và Công ty E&Y Vietnam phối hợp tổ chức vừa qua, một phương pháp mới đã được các chuyên gia quốc tế giới thiệu tới các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước nhằm ngăn ngừa, phát hiện các đại lý gian lận.
Gian lận do chính các đại lý thực hiện lâu nay vẫn là thách thức không nhỏ cho các nhà bảo hiểm Việt Nam, bởi ngăn ngừa không dễ khi đại lý là người hiểu rõ nhất về sản phẩm, về quy trình.
Ông Jack Jia, Giám đốc Dịch vụ kế toán pháp lý E&Y Hồng Kong cho biết, kỹ thuật phân tích kế toán pháp lý là công cụ tốt để giúp các công ty bảo hiểm phân tích thái độ hành vi của người đại lý.
Từ đó, dự đoán những xu hướng, rủi ro mà họ có thể gây ra cho công ty bảo hiểm trong tương lai thông qua việc phân tích hành vi trong quá khứ.
Ông Jack Jia cũng công bố những kết quả mà phân tích kỹ thuật dữ liệu đem lại trong một vụ tư vấn của E&Y cho một chi nhánh bảo hiểm ở New York (Mỹ).
Theo đó, từ cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, chúng ta có thể tiến hành nhiều phân tích để tìm ra các đại lý có độ rủi ro cao, có nguy cơ gian lận lớn. Chẳng hạn, rà soát dữ liệu theo tiêu chí số vụ bồi thường, nhà bảo hiểm có thể tìm thấy một số đại lý có số vụ bồi thường cao.
Thực tế, khi điều tra, kết quả cho thấy, đại lý đã làm giả chữ ký khách hàng, giúp khách hàng điền vào thông tin bồi thường.
Một phân tích khác, cũng trên cơ sở dữ liệu đó, công ty có thể tìm ra các đại lý có khả năng gian lận bằng cách phân tích địa chỉ khách hàng, tìm ra các khách hàng có cùng địa chỉ. “Trong vụ tư vấn nói trên, chúng tôi đã tìm thấy một đại lý có 43 hợp đồng có cùng địa chỉ và phân tích sâu hơn cho thấy, các khoản bồi thường từ các địa chỉ này khá lớn.
Thực tế, đại lý sử dụng địa chỉ của mình thay cho địa chỉ khách hàng để đòi bồi thường hoặc vay tiền mà khách hàng không hề hay biết”, ông Jack Jia chia sẻ.
“Trong trường hợp đại lý gian lận nói trên, thiệt hại mà nhà bảo hiểm phải chịu lên tới 1 triệu USD” - ông Jack cho biết thêm.
Hoặc một trường hợp khác, khi rà soát dữ liệu về bồi thường xe cơ giới, một nhà bảo hiểm đã phát hiện số điện thoại của đại lý trùng với khách hàng. Về cơ bản, công ty gọi điện cho khách hàng, nhưng liệu có đúng là khách hàng nghe điện thoại?
Bên cạnh việc phân tích kỹ thuật, việc vào vai các đại lý để tìm xem cách có thể thực hiện gian lận cũng giúp nhà bảo hiểm phát hiện các lỗ hổng, các cách mà đại lý có thể gian lận, từ đó có biện pháp ngăn ngừa thích hợp.
Ông Saman Bandara khuyến cáo, việc phân tích dữ liệu phải được tiến hành ít nhất 6 tháng một lần. Tại Việt Nam, hơn 90% đại lý đều làm việc bán thời gian nên nguy cơ
gian lận rất cao và cần kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm bày tỏ e ngại vì tình trạng thiếu dữ liệu vốn rất phổ biến ở doanh nghiệp Việt Nam. Mặc dù “dữ liệu là vàng”, nhưng làm sao có thể phân tích trên dữ liệu không đầy đủ và làm sao buộc đại lý điền đầy đủ các thông tin.
Ông Jack Jia cho biết: “Thực tế, tôi đã làm việc với nhiều công ty có dữ liệu không đầy đủ. Nhưng chúng ta vẫn có thể phân tích, bởi chúng ta không kiểm toán, chúng ta chỉ đang phân tích dữ liệu. Nên dù tỷ lệ dữ liệu như thế nào thì vẫn có thể tiến hành nhiều phân tích”.
Hơn nữa, các chuyên gia cũng chia sẻ, chất lượng cơ sở dữ liệu của ngay cả những hãng bảo hiểm hàng đầu châu Âu cũng có vấn đề, không tốt như người ta tưởng. Không có cơ sở dữ liệu quá khứ để phân tích không có nghĩa là không thể làm gì.
Nhà bảo hiểm phải xác định một thời điểm nào đó để bắt đầu thu thập dữ liệu. Với mỗi một hợp đồng, công ty phải xác định 15 - 20 trường dữ liệu phải đưa vào hệ thống. Với dữ liệu trong quá khứ, công ty bảo hiểm có thể gọi điện cho khách hàng và hỏi thêm thông tin.
Ngoài ra, ông Saman Bandara cho rằng, nhiều khi, hệ thống có thể thu thập đến 90% dữ liệu cần thiết, nhưng có chi nhánh không quan tâm đến việc nhập dữ liệu.
Đây là rủi ro và công ty phải đặt dấu hỏi với những chi nhánh này, có thể là họ bận rộn, nhưng không nhập dữ liệu là dấu hiệu đáng ngờ. “Từ những chi nhánh này, chúng tôi đã phát hiện một số vấn đề mà ngay cả giám đốc công ty không ngờ đến”, ông Saman Bandara nói.
Không chỉ sử dụng để phân tích hành vi của đại lý, phân tích kế toán pháp lý còn được sử dụng để phân tích hoạt động bồi thường, quảng cáo, thúc đẩy kinh doanh, xem xét sự hợp lý của các quy định, ví dụ như quy định về hoa hồng.
Không chỉ là phòng ngừa gian lận mà việc phân tích còn cho thấy tình hình kinh doanh, xem sản phẩm nào đang đem lại doanh thu tốt để có chiến lược bán hàng, phát triển sản phẩm phù hợp.