Phân phối xăng dầu: Cuộc đua quyết liệt

Phân phối xăng dầu: Cuộc đua quyết liệt

(ĐTCK) Trong hai cuộc trao đổi gần nhất với giới báo chí, cả lãnh đạo Petrolimex và PV Oil đều nhận được câu hỏi: Cục diện cạnh tranh trên thị trường phân phối xăng dầu tới đây sẽ như thế nào?

Chỉ với một cửa hàng mới mở tại Hà Nội, Denmitsu Q8 mang phong cách phục vụ kiểu Nhật Bản đã gây ồn ào và tốn kha khá giấy mực của truyền thông Việt Nam. Đây cũng là tín hiệu cho thấy, cục diện thị trường sẽ có nhiều thay đổi với sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài.

Đề cập đến câu chuyện này, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, cuộc chơi càng có nhiều người tham gia càng có lợi cho người tiêu dùng, vì họ có nhiều cơ hội để lựa chọn.

Còn ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil nói rằng, cạnh tranh là yếu tố các doanh nghiệp Việt bắt buộc phải đón nhận.

Bản thân Petrolimex ý thức rất rõ về sức nóng cạnh tranh và đang có sự chuẩn bị sớm. Đơn cử như dành quỹ tiền mặt ít nhất 1.000 tỷ đồng cho việc phát triển hệ thống cửa hàng mới hàng năm. Yếu tố quan trọng nhất để mở mới một cửa hàng, theo ông Dũng, là vị trí và bộ phận kinh doanh của Petrolimex chưa năm nào bị kịch room ngân sách cho khoản mục này. Như vậy, có thể thấy, cuộc đua săn lùng các vị trí thuận lợi để mở cây xăng có thể sẽ rất nóng.

Trước đó, Petrolimex đã nhanh chân nhận về một loạt các xí nghiệp thương mại ở các tỉnh, thành phố để làm dày, làm mạnh hơn hệ thống phân phối của mình.

Giai đoạn 2010 - 2015, PV Oil cũng thực hiện hàng loạt thương vụ M&A và mua cổ phần chi phối nhiều công ty xăng dầu trong và ngoài nước để mở rộng hệ thống phân phối và địa bàn hoạt động. Hoạt động M&A đã giúp hệ thống bán lẻ từ hơn 100 của hàng lên hơn 500 cửa hàng vào năm 2016. 

PV Oil xác định chiến lược chiếm lĩnh thị trường, mở rộng mạng lưới bằng M&A và đặt mục tiêu 5 năm sau cổ phần hóa tổng thị phần kinh doanh trong nước sẽ tăng lên 35%.

Nhưng yếu tố mạng lưới dày đặc không chưa đủ, quan trọng hơn còn là hiệu quả kinh doanh của từng cửa hàng. Vấn đề này nếu không được tính toán kỹ, các doanh nghiệp phân phối xăng dầu tới đây rất dễ bị thất trận.

Hiện có 2.400/15.000 cửa hàng xăng dầu cả nước, song Petrolimex chiếm tới 44% thị phần cả nước.  Thanh Lễ có 18 cửa hàng tại Bình Dương, song chiếm tới 6% thị phần, Sài Gòn Petro chiếm 6% và PV Oil chiếm 22,5%.

Ngoài những tên tuổi đang hiện diện trên thị trường, tới đây, thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ có thêm sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo quy định của Bộ Công Thương, nhà đầu tư nước ngoài muốn phân phối bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam cần có cổ phần trong các nhà máy lọc dầu. Số lượng cổ phần là bao nhiêu thì các văn bản hiện hành không nêu chi tiết.

Liệu có thể hiểu rằng chỉ cần sở hữu cổ phần nhà máy lọc dầu là nhà đầu tư nước ngoài được phân phối bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam? Có lẽ bởi vậy mà buổi roadshow của Lọc hóa dầu Bình Sơn có khá nhiều đại diện của các tập đoàn trong khu vực như Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan có mặt và đặt câu hỏi về nội dung trên.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam gần đây, có thể thấy rõ một xu hướng là các nhà sản xuất kinh doanh châu Á đang đổ vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Rất có thể đây sẽ là những đối thủ đáng gờm với các doanh nghiệp bản địa, bởi cách thức kinh doanh của những nhà đầu tư mới này “đi rất nhanh”.

Giới phân tích cho rằng, doanh nghiệp nội địa chẳng hạn như PV Oil lại có thể bị ảnh hưởng bởi một quy định khá ngặt nghèo. Đó là cam kết bao tiêu sản phẩm của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Bởi cam kết này mà một trong những điều kiện đối với nhà đầu tư chiến lược của PV Oil là đồng ý để PV Oil (doanh nghiệp sau cổ phần hóa) tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn trong ít nhất 10 năm sau cổ phần hóa  theo giá thị trường với sản lượng tối thiểu hàng năm theo công thức: Số lượng = Tổng sản lượng kinh doanh của PV Oil x (Tổng công suất sản phẩm xăng và dầu DO của 2 nhà máy/Tổng nhu cầu xăng và dầu DO của Việt Nam).

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Lọc hóa dầu Bình Sơn tuyên bố rằng, Bình Sơn không cần phải bao tiêu sản phẩm, hiện có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.

Vậy thì điều kiện trên có thể ngầm hiểu rằng nhằm thực hiện cam kết của PVN với Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Trong khi đó, theo đánh giá của cả Bình Sơn và Petrolimex, phải sau ít nhất một năm rưỡi đi vào hoạt động, sản phẩm của các nhà máy lọc hóa dầu mới có thể đạt độ ổn định và đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, theo PV Oil, quyền bao tiêu sản phẩm của Nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất giúp Công ty chủ động được đầu vào và giảm chi phí vận chuyển so với nhập khẩu.

Tin bài liên quan