Lộ diện thứ bậc
Trong một cuộc trà dư tửu hậu của giới lãnh đạo các công ty chứng khoán, khi được mời tham dự một sự kiện, tổng giám đốc công ty chứng khoán nọ hỏi luôn: “Ai sẽ đứng chung sân với anh?”. Nhà tổ chức vừa lộ ra cái tên nọ, lập tức ông này từ chối, với lý do "không ngồi cùng mâm với tay đó".
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, khối công ty chứng khoán đang phân hóa sâu sắc.
Sau nhiều năm tái cấu trúc theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, hiện còn 74 công ty chứng khoán đang là thành viên của các sở giao dịch chứng khoán.
Nhưng thị phần môi giới, kể cả trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu lẫn phái sinh, chứng quyền có đảm bảo phần lớn rơi vào tay 10 công ty chứng khoán.
Phương thức cạnh tranh của các công ty chứng khoán, theo đánh giá của nhà quản lý, có nhiều điểm mới, theo hướng đi vào chiều sâu.
Điều này thể hiện trên nhiều khía cạnh như: năng lực quản trị, khả năng cấu trúc các sản phẩm và dịch vụ phức tạp, hệ thống hạ tầng công nghệ hiện đại, nền tảng sức khỏe tài chính…
Vũ khí cạnh tranh mới trong thời gian gần đây được nhiều công ty chứng khoán tung ra là hệ thống công nghệ hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, giá trị giao dịch cho nhà đầu tư.
Kể từ sau thời điểm Thông tư 128/2018/TT-BTC thay thế Thông tư 242/2016/TT-BTC về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán của Bộ Tài chính có hiệu lực cách đây hai năm, bỏ quy định về sàn phí giao dịch chứng khoán, giá phí không còn là vũ khí cạnh tranh duy nhất của công ty chứng khoán trong thu hút nhà đầu tư.
Thay vào đó, nhiều sản phẩm, nghiệp vụ mới được triển khai đã thúc đẩy cạnh tranh dẫn đến sự phân hóa ngày một rõ nét trong khối công ty chứng khoán.
Đại diện UBCK đánh giá, khối công ty chứng khoán phân hóa rõ thành 3 nhóm, với lợi thế cạnh tranh riêng.
Thứ nhất là các công ty mà chủ sở hữu có cả công ty quản lý quỹ đang tận dụng tối đa mạng lưới khách hàng, cũng như năng lực quản trị vững, để trở thành các nhà tư vấn, đơn vị bán lẻ, bán buôn cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Thứ hai là khối công ty chứng khoán ngoại đang tận dụng tối đa lợi thế có lượng vốn lớn với giá rẻ, để tung ra các gói cho vay giao dịch ký quỹ với lãi suất cạnh tranh.
Thứ ba là các công ty mà mỗi khi nhà quản lý triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có đảm bảo và tới đây là bán chứng khoán trên đường về, bán chứng khoán trong ngày, vay chứng khoán để bán..., họ đều nhanh chân tham gia ngay từ đầu để kéo khách hàng về phía mình.
Tiếp tục “tạo đất” cho cạnh tranh theo chiều sâu
Với định hướng tạo ra môi trường cho các công ty chứng khoán tiếp tục cạnh tranh trong thời gian tới, lãnh đạo UBCK cho biết, hệ thống quy định pháp lý mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 đang được định hình theo hướng “may đo” cơ chế cho phù hợp với “cơ thể” của công ty chứng khoán, thay vì yêu cầu họ mặc “đồng phục” như quy định hiện hành.
Điều đó có nghĩa, nhà quản lý sẽ gia tăng phương thức quản lý theo khẩu vị rủi ro trong hoạt động của các công ty chứng khoán, để tạo thuận lợi cho công ty phát huy tối đa các lợi thế trong phát triển.
Những công ty chứng khoán có năng lực tài chính, quản trị tốt, quản trị tốt rủi ro hoạt động sẽ có nhiều dư địa hơn trong phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Ngược lại, các công ty có năng lực vốn, quản trị hạn chế, lại thêm ưa thích khẩu vị rủi ro cao, sẽ nằm trong tầm quản lý, giám sát chặt hơn, đương nhiên không dễ để có thể nhanh chóng tham gia triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới.