Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) chuyên biệt chính thức khai trương và đi vào hoạt động tháng 9/2009, theo đó tập trung toàn bộ hoạt động đấu thầu phát hành, giao dịch trái phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho đầu tư phát triển, góp phần hoàn thiện cấu trúc của thị trường vốn, thị trường tài chính Việt Nam.
Sau 10 năm hoạt động, thị trường đã có sự phát triển cả về quy mô và tính thanh khoản, đóng vai trò then chốt để phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Trong 10 năm qua, hai thế hệ chính sách hướng dẫn Luật Quản lý nợ công và Luật Ngân sách Nhà nước đã được ban hành tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng cho hoạt động của thị trường sơ cấp, thứ cấp TPCP cũng như hoạt động tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo hướng bền vững.
Cơ sở hạ tầng cho hoạt động đấu thầu phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch TPCP luôn được đổi mới và hoàn thiện để rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trên thị trường thứ cấp, tăng tính thanh khoản của trái phiếu.
Năm 2009, quy trình từ khi phát hành đến niêm yết, giao dịch TPCP là T+10; năm 2012, quy trình này là T+6 và đến năm 2015 là T+2.
Từ ngày 1/8/2017, chức năng thanh toán tiền giao dịch trái phiếu chính phủ được chuyển từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thông lệ quốc tế.
Theo đó, hoạt động phát hành, đăng ký, lưu ký, thanh toán, niêm yết và giao dịch TPCP luôn được vận hành an toàn, ổn định và thông suốt, góp phần đáng kể cho việc tăng thanh khoản trên thị trường TPCP.
Bà Phan Thu Hiền cho biết, trong các năm tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn 2021 - 2025, chủ trương của Chính phủ là phát huy nội lực, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh nhu cầu huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tiếp tục ở mức cao, nguồn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giảm, mục tiêu đặt ra là phát triển thị trường TPCP để làm nền tảng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu và thị trường tài chính.
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, đặc biệt chú trọng việc phát triển đa dạng hệ thống nhà đầu tư trên thị trường TPCP, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn.
Rà soát cơ chế, chính sách để phát triển các quỹ đầu tư trái phiếu, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; đổi mới cơ chế đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo hướng ngày càng chuyên nghiệp.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2021 đưa trái phiếu chính phủ Việt Nam vào các rổ chỉ số trái phiếu quốc tế như JP Morgan, Bloomberg Barclays, Citi World Government để thu hút các quỹ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường trái phiếu Việt Nam.
Bà Hiền cho biết thêm, Bộ Tài chính cùng các đơn vị liên quan sẽ tăng cường cơ chế đối thoại về chính sách và điều hành giữa cơ quan quản lý nhà nước và thành viên của thị trường, đồng thời tăng cường hội nhập quốc tế để học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin nhằm tiếp cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.