Phân biệt bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện

Phân biệt bảo hiểm hưu trí bổ sung và bảo hiểm hưu trí tự nguyện

(ĐTCK) Chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung (BHHTBS) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng, có nhiều điểm khác so với sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) do các công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) triển khai.

>> Bài 1: Triển khai bảo hiểm hưu trí bổ sung, không thể chậm thêm

>> Bài 2: Bảo hiểm hưu trí bổ sung, nhiều lợi ích

Nhiều điểm khác biệt

Theo CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM), chính sách BHHTBS và sản phẩm BHHTTN có một số điểm tương đồng như: đều là hình thức hưu trí bổ sung mang tính tự nguyện; hình thành với sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ); gia tăng quyền lợi hưu trí cho người tham gia... Tuy nhiên, chính sách BHHTBS và sản phẩm BHHTTN có rất nhiều điểm khác nhau. Cụ thể:

Thứ nhất, chính sách BHHTBS là sản phẩm phi thương mại, do người sử dụng lao động đứng ra tổ chức với sự tham gia giám sát của NLĐ, còn BHHTTN là sản phẩm thương mại, do công ty BHNT cung cấp. 

Xuất phát từ tính chất phi thương mại của chính sách BHHTBS, NLĐ sẽ nhận được tất cả các kết quả đầu tư phát sinh từ khoản đóng góp, sau khi chi trả phí cho các tổ chức cung cấp dịch vụ. NLĐ và người sử dụng lao động có quyền quyết định tất cả các vấn đề liên quan tới chính sách BHHTBS thông qua ban đại diện quỹ, cụ thể là lựa chọn các tổ chức cung cấp dịch vụ quỹ hình thành theo chính sách BHHTBS như công ty quản lý quỹ (QLQ), tổ chức quản lý tài khoản cá nhân, ngân hàng giám sát… dựa trên tính hiệu quả của dịch vụ được cung cấp, đồng thời phê duyệt mức phí sẽ chi trả. Ngược lại, cá nhân mua BHHTTN không có khả năng thương lượng về mức phí phải trả, cũng như các điều khoản về phân chia kết quả đầu tư. Công ty BHNT có quyền đưa ra mức lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu. Quy định hiện hành về sản phẩm BHHTTN không cho phép người tham gia rút tiền đóng góp trước thời điểm thỏa thuận (nếu không suy giảm 61% khả năng lao động hoặc mắc bệnh hiểm nghèo). Điều này khác với dự thảo chính sách BHHTBS đang đề xuất là cho phép NLĐ có thể rút tiền sau 5 năm làm việc, hoặc rút theo tỉ lệ gia tăng theo số năm làm việc.

Thứ hai, sản phẩm BHHTTN được công ty BHNT xây dựng và cung cấp, nên toàn bộ việc quản lý tài sản đóng góp và thực hiện chi trả do công ty đảm nhiệm. Trong khi theo mô hình hoạt động của quỹ BHHTBS, toàn bộ khoản đóng góp của người sử dụng lao động và NLĐ vào quỹ, sẽ được các tổ chức độc lập thực hiện lưu ký, giám sát. Mô hình này được thiết kế để đảm bảo, tất cả tài sản của NLĐ sẽ chỉ được sử dụng đúng các quy định đã được ban đại diện quỹ chấp thuận. Việc sử dụng tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản cá nhân, góp phần gia tăng tính minh bạch của quỹ BHHTBS, do các đối tượng tham gia có quyền truy vấn trực tuyến các thông tin liên quan. Mô hình quỹ BHHTBS được thiết kế đảm bảo giám sát tối đa các hoạt động của công ty QLQ, giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh đối với các tài sản của quỹ do các hoạt động của quỹ đều được giám sát, quản lý bởi các tổ chức độc lập.

Thứ ba, do quỹ BHHTBS tồn tại độc lập, ghi nhận tách biệt khỏi tài sản của công ty quản lý quỹ trên các báo cáo kế toán, nên quỹ không gặp rủi ro mất vốn khi công ty quản lý quỹ phá sản. Ngược lại, tài sản hình thành từ mua BHHTTN được ghi nhận trên báo cáo tài chính của công ty BHNT như các khoản công nợ, nên nếu công ty BHNT phá sản, khả năng mất vốn của quỹ là hiện hữu.     

 

Cần ưu đãi thuế

Để triển khai thành công chính sách BHHTBS, Nhà nước cần ưu đãi thuế cho cả DN lẫn NLĐ. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc xem xét đánh thuế đối với chương trình BHHTBS được cân nhắc ở 3 giai đoạn: khoản đóng ban đầu, khoản thu nhập nhận được từ đầu tư và rút tiền khỏi chương trình. Trong khi đa số các nước đều miễn thuế đối với hai giai đoạn đầu thì rất nhiều nước như: Hàn Quốc, Séc, Phần Lan… đều miễn thuế hoàn toàn đối với cả 3 giai đoạn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất, Nhà nước nên ưu đãi thuế hoàn toàn cho DN và NLĐ tham gia chương trình BHHTBS. Trường hợp cần đánh thuế, chỉ nên cân nhắc áp dụng với người lĩnh tiền lương hưu khi rút tiền một lần, nếu rút hàng tháng thì không bị đánh thuế. Tại hội thảo lấy ý kiến về đề án triển khai chính sách BHHTBS, do bộ  này và VFM phối hợp tổ chức ngày 26/9/2013, rất nhiều ý kiến ủng hộ cho phép ghi nhận các khoản đóng góp của DN vào quỹ BHHTBS là chi phí trước thuế, phần đóng góp của NLĐ không chịu thuế thu nhập cá nhân. Nhiều ý kiến cũng ủng hộ phương án cần có ưu đãi thuế cao hơn đối với các chương trình mang tính phi thương mại, phục vụ cho gia tăng an sinh xã hội như chính sách BHHTBS.       

Còn nữa...