Phân bảng cổ phiếu, nhu cầu từ nhiều phía

Phân bảng cổ phiếu, nhu cầu từ nhiều phía

(ĐTCK) Với “rừng” hơn 700 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ cùng chung bảng giao dịch, NĐT đang gặp khó khi theo dõi hoạt động của DN, cũng như sàng lọc thông tin trong quá trình đầu tư.

Kém minh bạch

Theo cảm nhận của NĐT, thông tin về đa số DN niêm yết còn kém minh bạch và chậm được cải thiện. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong nhận diện cổ phiếu tốt - xấu, nhất là trong bối cảnh toàn thị trường có tới hơn 700 mã cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đang “ở chung” bảng điện tử.

Phân bảng cổ phiếu, nhu cầu từ nhiều phía ảnh 1

Quan ngại trên xuất phát từ thực tế, không hiếm trường hợp NĐT đỏ mắt tìm kiếm thông tin về DN niêm yết thông qua các kênh như website của DN, Sở GDCK…, nhưng không được đáp ứng.  Một NĐT tại sàn CTCK Sài Gòn dẫn chứng, theo quy định của Thông tư 52/2012 thì tổ chức niêm yết phải công bố thông tin về báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý… Theo quy định này thì đến nay đã quá 30 ngày kể từ ngày phải công bố báo cáo tài chính quý IV/2012, nhưng NĐT không hề tìm thấy báo cáo của CTCP Khoáng sản Hòa Bình, mã chứng khoán KHB niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) cả trên website của Công ty lẫn HNX. Thông tin tài chính mới nhất về KHB mà NĐT tìm thấy là báo cáo tài chính bán niên năm 2012… Tương tự, trên website của CTCP Đá Spilit, mã cổ phiếu SPI niêm yết trên HNX, NĐT không tìm thấy bất kỳ thông tin nào về tài chính, cũng như hoạt động của Công ty, ngoại trừ các thông tin chung giới thiệu về SPI...

Giới đầu tư quan ngại, chừng nào tình trạng thông tin mù mờ trên không sớm được khắc phục, thì sự minh bạch của thị trường sẽ khó được cải thiện. Trong bối cảnh TTCK đang đối mặt với nhiều khó khăn, nếu chỉ số minh bạch không sớm được cải thiện, sẽ không dễ tìm kiếm thêm động lực để thị trường hút thêm dòng tiền.

 

Bức bách chuyện phân bảng

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng cổ phiếu tốt - xấu lẫn lộn trong bối cảnh minh bạch thông tin của DN niêm yết chưa dễ được cải thiện, ý kiến của giới đầu tư cho rằng, UBCK cần chỉ đạo HOSE và HNX nghiên cứu phương án phân bảng cổ phiếu. Theo đó, có thể phân nhóm cổ phiếu niêm yết theo ngành, hiệu quả kinh doanh, hoặc mức độ chấp hành quy định về pháp luật trên TTCK nói chung, đặc biệt là công bố thông tin…, để trên cơ sở đó giúp NĐT tiện theo dõi và lựa chọn cổ phiếu để đầu tư. Với NĐT, DN có vốn lớn hay nhỏ không quan trọng, vấn đề cốt yếu là hiệu quả kinh doanh và tính minh bạch trong hoạt động. Bởi vậy, việc phân bảng cổ phiếu nên ưu tiên quan tâm tới điều này nhằm hỗ trợ NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường thuận lợi hơn.

Theo kế hoạch mà UBCK đang theo đuổi, trong năm nay, cơ quan này sẽ hoàn tất trình Chính phủ Đề án tái cấu trúc Sở GDCK và dự kiến triển khai trong năm 2014, sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong định hướng tái cấu trúc Sở GDCK thì Sở GDCK Việt Nam sẽ phát triển một thị trường duy nhất có hai sàn, nhưng thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành; trên một nền tảng công nghệ thống nhất… Theo dự liệu của UBCK, nằm trong định hướng tái cấu trúc Sở GDCK, việc chuẩn hóa hàng hóa phải mất khoảng 2 năm.

Trong khi đó, việc chuẩn hóa hàng hóa được coi là tiền đề quan trọng để giúp NĐT có thêm căn cứ định hạng chất lượng cổ phiếu, đồng thời bước đi này có thể là cơ sở để phân bảng cổ phiếu. Câu hỏi đặt ra là thị trường, NĐT phải đợi 2 năm hay lâu hơn nữa mới được thấy việc phân bảng cổ phiếu, một dự định đã được UBCK, cũng như HOSE và HNX ấp ủ nhiều năm nay?

Nhu cầu phân bảng cổ phiếu không chỉ xuất phát từ phía NĐT, mà còn từ chính các DN niêm yết. Chủ tịch HĐQT một công ty thuộc ngành nông nghiệp niêm yết trên HOSE trăn trở: sự kém minh bạch của nhiều DN niêm yết, cộng với cổ phiếu tốt đang niêm yết lẫn lộn với cổ phiếu không tốt, đang khiến cho các DN làm ăn đàng hoàng cảm thấy bị thiệt thòi. Để khắc phục tình trạng này, nỗ lực của DN thôi chưa đủ, mà rất cần sự hợp sức của UBCK, các Sở GDCK trong việc giúp NĐT thuận lợi hơn trong nhận diện các cổ phiếu có chất lượng, ít rủi ro… trong quá trình đầu tư.