Tổng KTNN, TS. Hồ Đức Phớc.
Luật KTNN hiện hành không giải thích cụm từ “tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”. Thưa ông, nếu không làm rõ khái niệm này thì có gây khó khăn trong hoạt động đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính; chấp hành pháp luật và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công?
Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng và các hoạt động có liên quan đến tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, trong không ít trường hợp, chúng tôi không nhận được sự hợp tác của đối tượng có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công do luật không giải thích khái niệm thế nào là “tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Chẳng hạn, khi kiểm toán cơ quan thuế, KTNN phát hiện tình trạng doanh nghiệp hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, dẫn đến thiếu thuế giá trị gia tăng, thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác, nhưng không có cách gì làm việc trực tiếp với doanh nghiệp được, vì doanh nghiệp ngoài nhà nước không nằm trong “tầm kiểm soát” của KTNN.
Đối tượng này có liên quan đến tài chính công, tài sản công, nhưng luật không có khái niệm, nên hầu như KTNN không dám mời họ lên làm việc khi phát hiện dấu hiệu giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, tăng số tiền thuế được hoàn, được khấu trừ; sử dụng tài nguyên không đúng quy định.
Trong những trường hợp như vậy, KTNN phải làm gì để hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí tài chính công, tài sản công?
Chúng tối phải nhờ cơ quan thuế, sở tài nguyên và môi trường, chủ đầu tư mời doanh nghiệp lên làm việc. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp không lên cũng không có chế tài xử lý.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp lên làm việc, nhưng họ chỉ làm việc với cơ quan thuế, cơ quan quản lý tài nguyên, khoáng sản, dự án và yêu cầu kiểm toán viên ra ngoài, với lý do họ không thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của KTNN.
Để xử lý vướng mắc trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan chủ trì thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN) đã đưa ra khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” rồi, thưa ông?
Cơ quan thẩm tra đưa ra khái niệm “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
Tôi cho rằng, nếu định nghĩa như vậy thà đừng định nghĩa, cứ để như hiện nay còn tốt hơn. Vì nếu KTNN không kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, hóa đơn, chứng từ, tài liệu của đối tượng có liên quan, thì làm sao phát hiện ra dấu hiệu vi phạm.
Còn trong quá trình kiểm toán đối tượng được kiểm toán, nếu phát hiện ra đối tượng có liên quan có dấu hiệu phạm tội, vi phạm pháp luật, thì KTNN phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý, nên không cần kiểm toán nữa.
Thảo luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lấy ví dụ, cũng như việc dừng xe trên đường, nếu quy định, phát hiện ra dấu hiệu vi phạm như xe chở quá trọng tải, chở quá số người quy định, chở hàng lậu, hàng cấm, cảnh sát giao thông mới được dừng xe, thì không bao giờ thực hiện được, vì không dừng xe kiểm tra sẽ không phát hiện được vi phạm.
Theo ông, khái niệm “tổ chức, cá nhân có liên quan” cần phải hiểu thế nào?
Đó là những cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị đang được kiểm toán. Chỉ có quy định như vậy, KTNN mới thực hiện tốt nhất việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Còn nếu quy định như đề xuất của Cơ quan thẩm tra thì KTNN không thể kiểm toán dự án BT, BOT, PPP, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tôi muốn nói thêm, năm 2018, chúng tôi kiểm toán 8 dự án BOT, đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn tại 7 dự án với tổng thời gian là 16,2 năm, giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng; kiểm toán 7 dự án BT, đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng; đối chiếu thuế gần 3.200 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, với kiến nghị tăng thu thêm 1.635 tỷ đồng.
Nhưng nếu hiểu “tổ chức, cá nhân có liên quan” như trên, nhiều người lo ngại dễ dẫn đến mở rộng đối tượng kiểm toán, thưa ông?
Tháng 9 hằng năm, KTNN phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào kế hoạch kiểm toán năm sau. Sau khi tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, kế hoạch kiểm toán năm sau được gửi tới các đại biểu Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm.
Sau khi Quốc hội đồng ý, kế hoạch kiểm toán năm sau được công bố công khai, cụ thể kiểm toán địa phương nào, bộ, ngành nào, doanh nghiệp nhà nước nào, dự án nào và các đối tượng liên quan trực tiếp đến đơn vị được kiểm toán, chứ không phải đến khi đi kiểm toán, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, kiểm toán viên muốn kiểm toán cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng được.
Ví dụ, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách nhà nước dành 43.119 tỷ đồng cho Chương trình Nông thôn mới, 29.698 tỷ đồng cho Chương trình Giảm nghèo bền vững với hàng triệu đối tượng, hàng ngàn doanh nghiệp tham gia (có liên quan), nhưng không phải tất các đối tượng này được kiểm toán, mà chỉ khi Quốc hội đồng ý cho KTNN kiểm toán Chương trình Giảm nghèo bền vững, Chương trình Nông thôn mới, thì chúng tôi mới lựa chọn một số doanh nghiệp có liên quan trực tiếp đến 2 chương trình này để kiểm toán.