TS. Nguyễn Đình Cung

TS. Nguyễn Đình Cung

Phải dứt khoát áp dụng luật chơi thị trường

(ĐTCK) “Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra chậm, bởi không ít lực cản…”, TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định khi trao đổi với ĐTCK.

Cụ thể, đâu là những lực cản đang làm chậm quá trình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay, thưa ông?

Tái cơ cấu nền kinh tế không phải là việc khắc phục, chỉnh sửa một vài bất cập của mô hình tăng trưởng hiện tại. Thực chất đó là quá trình cải cách nền kinh tế, nên đòi hỏi tư duy đổi mới, cải cách từ Trung ương tới địa phương phải đạt đến tầm tương ứng. Thế nhưng, nếu như ở tầm chủ trương lớn đã có những tư tưởng cải cách, thì ở tầm hệ thống cơ chế, chính sách mang tính kỹ thuật, để triển khai quyết liệt và hiệu quả lại chưa đạt được tầm tương xứng. Đây là nguyên nhân chính khiến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đang diễn ra chậm chạp. Tái cơ cấu nền kinh tế là việc lớn và khó, nên không dễ đạt được thành quả nếu không có những nỗ lực quyết liệt và kiên định.

 

Ông có thể phân tích kỹ hơn việc thiếu cải cách đối với hệ thống chính sách mang tính kỹ thuật đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế ra sao?

Hãy nhìn vào các giải pháp triển khai tái cơ cấu trong ba lĩnh vực được kỳ vọng sẽ tạo sức lan tỏa là DNNN, đầu tư công và hệ thống tài chính, ngân hàng, thì không khó nhận ra các giải pháp kỹ thuật đưa ra chưa khuyếch trương được thị trường, chưa làm cho thị trường hồi sinh. Vì chưa sử dụng đồng bộ các công cụ thị trường, nên hệ quả là thị trường chưa thể vận hành, chưa khởi phát những chuyển biến đủ rộng và sâu của quá trính tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tiễn đang đòi hỏi các giải pháp này phải đạt được mức độ cải cách thì mới sớm mang lại kết quả như mong muốn.

 

Vậy theo ông, muốn tạo bước cải cách sâu rộng ở tầm hệ thống chính sách mang tính kỹ thuật, cần ưu tiên những giải pháp nào?

Chính vì thực tế vừa nêu mà không thể “chắp vá” chính sách trong quá trình triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Cần rà soát để phát hiện, bãi bỏ các quy định đang cản trở quá trình này. Thay vào đó là hệ thống quy định chứa đựng những tư tưởng cải cách, tư duy mới theo hướng Nhà nước chỉ tập trung tham gia đầu tư kinh doanh ở một vài lĩnh vực, mà khu vực ngoài nhà nước không muốn hoặc không thể tham gia. Các quy định mang tính kỹ thuật phải thực sự đạt đến tầm cải cách mới giải quyết được tình trạng “tồn kho” bất cập. Nếu tiếp tục để các thị trường không gượng dậy được như hiện tại, thì việc triển khai Đề án chậm là khó tránh khỏi.

Hệ thống chính sách mang tính kỹ thuật phải tập trung khuyến khích các động lực cải cách theo chiều ngang giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa nhà đầu tư với nhà đầu tư, chứ không phải quá thiên về giải quyết các vấn đề theo chiều dọc là chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước theo mệnh lệnh hành chính. Chừng nào cơ chế khuyến khích sáng tạo, cải cách theo chiều ngang phát huy hiệu quả trên thực tế thì thị trường sẽ chuyển động. Trên cơ sở đó, sẽ mở ra cơ hội đầu tư và kinh doanh mới. Tâm lý co cụm, thủ thế đang bao trùm thị trường như hiện tại là biểu hiện của cách ứng xử phi kinh doanh, phi thị trường và phi cải cách.

 

Việc chưa có những cải cách về chính sách mang tính kỹ thuật như ông vừa nêu, có làm xuất hiện tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm trong quá trình triển khai tái cơ cấu nền kinh tế?

Như đã nói, sự thiếu vắng các cải cách đối với hệ thống giải pháp kỹ thuật đang làm thui chột các sáng tạo, sáng kiến, đồng thời làm xuất hiện tình trạng e ngại, không dám làm trong quá trình triển khai các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, do sợ trách nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, đã đến lúc phải dứt khoát hơn trong việc áp dụng đồng bộ các luật chơi cho thị trường.