Bà Trịnh Lan Phương, sáng lập chuỗi cửa hàng mẹ và bé Bibo Mart .
Thức tỉnh vì công nghệ
Bà Trịnh Lan Phương, sáng lập chuỗi cửa hàng mẹ và bé Bibo Mart đang nổi lên như một doanh nhân thành đạt và tâm huyết với thị trường bán lẻ mảng mẹ và bé.
Gần đây, bà và các cộng sự có nhiều trăn trở khi chứng kiến công nghệ đang thay đổi mọi thứ trên thế giới, như phân chia lại ngành nghề, lao động, giá trị... Vấn đề là phải bắt kịp xu hướng mới, định hình lại đường đi và cách làm, bảo tồn lợi thế cốt lõi mà vẫn bắt kịp với xu hướng tiêu dùng mới…
Khi đi ra nước ngoài, bước chân vào các chuỗi bán lẻ thời trang lớn, bà Phương thường bắt gặp các sản phẩm “made in Vietnam” trên quầy kệ, hoặc bạn bè quốc tế nhắc đến Việt Nam như “công xưởng may mặc” của thế giới.
Điều đó khiến bà đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp Việt Nam không nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng nên những thương hiệu thời trang thực sự mạnh, chiếm lĩnh thị trường trong nước?
“Tôi trăn trở về việc mỗi người dân Việt phải tự hào khi khoác lên người một sản phẩm mang thương hiệu Việt, chung tay phát triển nền sản xuất nước nhà và phải chiến thắng ở sân nhà để tiến ra sân khách…”, bà Phương chia sẻ.
Sau 13 năm có mặt trên thị trường, Bibo Mart từ một cửa hàng nhỏ chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho các bà mẹ (trong giai đoạn thai kỳ và giai đoạn sau sinh) và các bé (trong độ tuổi từ 0 - 6 tuổi) nay đã có gần 150 cửa hàng, với hơn 2.000 nhân viên.
Với vị thế đó, Bibo Mart nhận được rất nhiều lời mời hợp tác hấp dẫn từ các chuỗi bán lẻ và những thương hiệu hàng đầu trên thế giới, nhưng mọi quyết định đều được cân nhắc với tâm huyết xây nên một thương hiệu Việt vì người Việt.
Thực tế, có không ít gương mặt nữ doanh nhân quyền lực được vinh danh trong và ngoài nước ở nhiều góc độ. Mới đây, Việt Nam góp hai gương mặt trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực châu Á. Đó là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và CEO của Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ, CEO của Nutifood. Họ đều muốn đưa doanh nghiệp của mình ra thị trường quốc tế.
Trong đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không, khi trở thành người phụ nữ duy nhất xây dựng và lãnh đạo hãng hàng không thương mại lớn của riêng mình.
Về phần mình, bà Trần Thị Lệ cùng chồng - ông Trần Thanh Hải - đã biến Nutifood trở thành doanh nghiệp sản xuất sữa dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam với doanh thu cao gấp ba lần, lên mức 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế cao gấp năm lần, lên 828 tỷ đồng vào năm 2018. Mục tiêu của bà là đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế bằng cách đầu tư ra nước ngoài thông qua các liên doanh và mua bán - sáp nhập (M&A).
Bên cạnh họ, còn có rất nhiều nữ doanh nhân đang chèo lái doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, tạo việc làm và doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Những tên tuổi này đã xuất hiện tràn ngập trên truyền thông suốt 2 thập kỷ qua. Đó là bà Mai Kiều Liên - “linh hồn” của Vinamilk, góp phần rất lớn vào sự phát triển của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á, sáng lập Tập đoàn TH; bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc PNJ; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc REE; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG; bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC)…
Truyền cảm hứng cho cộng đồng
Sự đa dạng trong bức tranh kinh doanh của châu Á cũng đang tạo nhiều cơ hội hơn cho các nữ doanh nhân. Bên cạnh thế hệ doanh nhân F1, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam chứng kiến sự ra đời của hàng loạt công ty start-up mang tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực từ làm đẹp, giáo dục đến bất động sản... với người sáng lập là nữ. Họ đang truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đã có không ít gương mặt nữ doanh nhân quyền lực của Việt Nam được vinh danh trong và ngoài nước. Mới đây, Việt Nam góp hai gương mặt trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực châu Á. Đó là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, nhà sáng lập và CEO của Vietjet Air và bà Trần Thị Lệ, CEO của Nutifood.
Đó là Văn Đinh Hồng Vũ, nhà sáng lập ứng dụng học tiếng Anh Elsa Speak năm 2016. ELSA được Forbes nhắc đến trong danh sách Top 4 công ty sử dụng trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới. Start-up này hiện có 4 triệu lượt người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có hơn 2 triệu người dùng Việt Nam.
Đó là Cathy Thảo Trần, nhà sáng lập ứng dụng tìm nhà trọ Ohana. Ohana là ứng dụng chạy trên nền tảng di động và web, kết nối người đi thuê nhà và chủ nhà cho thuê. Tầm nhìn trong tương lai là phát triển ứng dụng thành hệ sinh thái có những sản phẩm nhỏ để giải quyết những nhu cầu của người Việt Nam…
Mặc dù kinh doanh là... phi giới tính, nhưng đối với phụ nữ khởi nghiệp vẫn có những đòi hỏi đặc biệt để vượt qua các rào cản xã hội, rào cản của chính nội tại bên trong. Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, thuộc Dentsu Aegis Network chia sẻ, phụ nữ lựa chọn start-up không chỉ là sự nghiệp, mà còn là lựa chọn thái độ sống. Dấn thân vào con đường khởi nghiệp, phụ nữ nên chuẩn bị tâm lý để đón nhận nhiều thay đổi trong cuộc sống ở bản thân và những người thân.
Phụ nữ vẫn vấp phải rất nhiều định kiến trong xã hội khi bị cho rằng, họ chỉ khởi nghiệp theo phong trào và chỉ làm tốt trong một số lĩnh vực “nữ tính”, như làm đẹp, dinh dưỡng, y tế…
Nhưng thực tế, vị thế của nữ doanh nhân đã được khẳng định mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí cả ở những lĩnh vực chỉ dành riêng cho đàn ông, như hàng không, logistics, vận tải biển, công nghiệp chế tạo, chứng khoán…