PGS.TS Nguyễn Danh Tiên: Tầm nhìn chiến lược của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên: Tầm nhìn chiến lược của Đảng trong tiến trình cách mạng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Tầm nhìn chiến lược của Đảng trong hành trình 92 năm thành lập và những kỳ vọng ở chặng đường sắp tới. 

Thưa PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhiều lần thể hiện bản lĩnh, cho thấy tầm nhìn chiến lược, đưa dân tộc ta vượt qua những thời khắc gian nan, sinh tử, giành lấy nền độc lập tự do, tiến hành thành công Công cuộc Đổi mới và hội nhập, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Ông có thể điểm lại những dấu mốc lớn thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong hành trình vinh quang đó?

Với một Đảng cầm quyền, tầm nhìn thể hiện lý tưởng phấn đấu, thể hiện mục tiêu cần đạt được, là cơ sở để xác định nhiệm vụ, giải pháp thực hiện; để thống nhất tư tưởng, đoàn kết trong Đảng, tập hợp, đoàn kết, cổ vũ, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh để thực hiện mục tiêu, lý tưởng đó.

Trải qua 91 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam để lại nhiều dấn ấn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Ngay từ đầu, Đảng đã nhìn nhận thấu suốt mục tiêu, triển vọng lâu dài của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng xác định đúng nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, trước mắt của cách mạng là “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập...”, “thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, giải phóng con người”.

Đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng được triệu tập, nhận định về “thời cơ” có thể nổ ra khởi nghĩa, Hội nghị chỉ rõ: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của chủ nghĩa phát-xít quốc tế… sẽ thúc đẩy cách mạng bùng nổ ở nhiều nước”. Do đó, tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị là “phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo..”. Tầm nhìn và những quyết sách chiến lược đó của Đảng, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945, dẫn đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2/9/1945.

Trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tầm nhìn chiến lược của Đảng được thể hiện ở việc luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Đại hội đại biểu lần thứ hai của Đảng (2-1951), chủ trương “Ðoàn kết toàn dân”, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Chính cương Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại Đại hội phát triển những vấn đề lý luận về con đường cách mạng Việt Nam. Đó là: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến, phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.Trên cơ sở đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo của Đại hội II và Chính cương Đảng Lao động Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX: thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cơ sở nắm chắc “quy luật leo thang chiến tranh” của đế quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn bộ đội Phòng không - Không quân: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị…”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, quân đội và nhân dân đã chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án đánh địch bảo vệ Hà Nội và các vùng phụ cận, qua đó làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, dẫn tới việc ký kết Hiệp định Pari vào ngày 27/1/1973 và sau đó là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tầm nhìn chiến lược của Đảng thể hiện ở việc lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những “thác ghềnh”, đặc biệt là những tác động tiêu cực từ sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiêp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Thưa PGS, nối tiếp tiến trình ấy, Đại hội Đảng XIII đã đặt ra yêu cầu Đảng phải có một tầm nhìn mới về chiến lược phát triển đất nước. Ông có thể phân tích rõ hơn bối cảnh khiến Đảng ta đặt ra yêu cầu đó?

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Đặc biệt là, sau 35 năm đổi mới, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới….”, thể hiện toàn diện trên các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại…

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nhờ những thành tựu đạt được, vị thế của Đảng được nâng cao trên trường quốc tế: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những thành tựu đó là cơ sở, nền tảng để Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội c hủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Thưa PGS, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 (Cương lĩnh 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã đề ra tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và đến khi kết thúc (hoàn thành) thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vậy tầm nhìn của Đại hội Đảng XIII đã kế thừa, phát triển những mục tiêu đó như thế nào, đâu là những điểm mới và nổi bật trong tầm nhìn phát triển đất nước được Văn kiện Đại hội XIII nêu ra, thưa PGS?

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh 1991)Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) là văn kiện mang tầm chiến lược nhằm xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững, với mục tiêu: Đến giữa thế kỷ XXI, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến khi kết thúc thời kỳ quá độ, xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Trên cơ sở mục tiêu mang tính dài hạn đó, trong các giai đoạn cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đảng sẽ đề ra những đường lối, chủ trương phù hợp, có tính khả thi để đạt những mục tiêu ngắn hạn, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Tầm nhìn của Đại hội Đảng XIII đã kế thừa, phát triển những mục tiêu đó ở 2 điểm.

Thứ nhất, xác định khoảng thời gian hợp lý (khoảng giữa thế kỷ XXI) để hoàn thành mục tiêu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tránh rơi vào tình trạng duy ý chí.

Thứ hai, khi đạt được trình độ của một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực chất là nước phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc.

Điểm mới nổi bật trong tầm nhìn phát triển đất nước được Văn kiện Đại hội XIII nêu ra là:

Một là: Đảng đã đề ra những lộ trình cụ thể: 5 năm, 10 năm và 25 năm, để tổng kết chặng đường cách mạng đã qua và hướng tới những cột mốc trọng đại, đó là: 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 100 năm thành lập Đảng; 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hai là: Việc Đảng xác định những cột mốc trọng đại của lịch sử cách mạng góp phần khơi dậy ý chí, năng lực nội sinh và sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam - những yếu tố đã làm nên những thắng lợi vĩ đại của Đảng và dân tộc trong thế kỷ XX.

Mục tiêu tốt đẹp mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra là mong ước, khát vọng của toàn dân tộc, góp phần cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Thưa PGS, Đảng ta đã bổ sung nội hàm “chỉnh đốn”“hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, để thành “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; đồng thời, bổ sung nội hàm “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”, để thành “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”. Ông đánh giá thế nào về sự bổ sung này?

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (1/2021), cùng với việc khẳng định những thành tựu đạt được, Đại hội chỉ rõ những hạn chế của Đảng trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, chưa được củng cố kịp thời... Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới…

Từ thực tiễn đó, Đại hội XIII đặt ra yêu cầu là cần tiếp tục “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Vấn đề này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII, tháng 10/2021): “Cái mới của Nghị quyết Trung ương 4 khoá XIII lần này đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Thực tế khẳng định, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là yêu cầu khách quan nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính đồng bộ, sự phù hợp giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững.

Hơn nữa, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới. Do đó, việc Đảng bổ sung nội hàm “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung “tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa phản ánh năng lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.

Bên cạnh nội dung trên, Đảng đã bổ sung cụm từ “năng lực cầm quyền” vào nội dung “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng” để thành “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng”. Nội dung này được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những mục tiêu tổng quát của nhiệm kỳ 2021-2026. Vì sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là việc Đảng nắm chính quyền Nhà nước mà còn là sử dụng, phát huy địa vị, vị thế được Hiến pháp quy định và đội ngũ đảng viên trong bộ máy Nhà nước để thể hiện và xứng đáng với vị thế, trách nhiệm của một Đảng cầm quyền chân chính. Sự cầm quyền của Đảng vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của Đảng đối với Nhà nước và xã hội do sự quy định tất yếu của lịch sử.

Là Đảng cầm quyền, thước đo năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng chính là xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững: chính trị ổn định, văn hóa - xã hội văn minh, quốc phòng - an ninh vững mạnh, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, việc bổ sung cụm từ “năng lực cầm quyền” để thành “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng” là một trong những dấu ấn quan trọng.

Trong văn kiện, Đảng ta cũng nêu ý rất mới, là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí…”, và “kết hợp với sức mạnh của thời đại”…, PGS có thể phân tích sâu hơn về sự bổ sung này?

Điểm mới ở đây là khơi dậy năng lực nội sinh của dân tộc kết hợp yếu tố ngoại sinh - sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Điều này bắt nguồn từ những thành công của lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập (1930 - 1945), Đảng và Hồ Chí Minh đã khơi dậy ý chí quyết tâm và khát vọng giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, với tinh thần “dù phải hy sinh rất nhiều, dù cho có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do”. Ý chí quyết tâm và khát vọng giành độc lập đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng tha thiết của toàn dân tộc nên đã quy tụ được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, đánh đuổi phát-xít Nhật, giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy ý chí quyết tâm và khát vọng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với tinh thần; “Thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, và “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Ý chí quyết tâm và khát vọng giải phóng dân tộc đã trở thành lý tưởng, lẽ sống của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam, nên đã đoàn kết các tầng lớp nhân dân triệu người như một, đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam phải mở rộng quan hệ với tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - giáo dục, quốc phòng - an ninh nhằm tranh thủ vốn, khoa học kỹ thuật - công nghệ và kinh nghiệm của các quốc gia, dân tộc, đặc biệt là những thành tựu tiên tiến về phát triển kinh tế số. Đó chính là nguồn ngoại lực quan trọng kết hợp với nội lực của đất nước để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Ngày 5/9/1960, Đảng Lao động Việt Nam họp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Với những điểm mới trong tầm nhìn của Đảng thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII, chúng ta có thể kỳ vọng gì vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới?

Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX và những thành tựu đạt được sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới là cơ sở khoa học để khẳng định, đất nước có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hơn nữa, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cùng với sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân sẽ phát huy cao độ nội lực của dân tộc kết hợp với ngoại lực - sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước./.

Tin bài liên quan