PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Dù còn nhiều thách thức, nhưng mục tiêu tăng trưởng 6,5% có thể hoàn thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 trong các khu công nghiệp, nhiều địa phương đang gấp rút lên kế hoạch ứng phó. Đồng thời, thách thức về khả năng tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm nay đã được giới chuyên môn đưa ra.

Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh để làm rõ hơn về vấn đề này.

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường nhưng nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đã được quay lại khu công nghiệp làm việc, ông đánh giá như thế nào về động thái này?

Việc doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang hay các địa phương quay trở lại hoạt động có thể coi là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế. Nhưng đồng thời, đây cũng sẽ là một cảnh báo về việc kiểm soát dịch.

Chúng tôi đã nhiều lần lưu ý các doanh nghiệp địa phương cần đề cao cảnh giác để vừa tiếp tục phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Dịch ở đây không chỉ là Covid-19 mà cần lưu tâm cả các dịch bệnh khác trong mùa dễ nảy sinh dịch, các yếu tố liên quan đến dịch tễ trong khu công nghiệp.

Khu công nghiệp là nơi tập trung đông người với quy mô lớn, hầu hết là lực lượng lao động trẻ, còn mang tính chủ quan. Do đó, một khi có dịch sẽ dễ bùng phát với tốc độ lây lan khủng khiếp và khó kiểm soát.

Chúng ta đã cố gắng để các doanh nghiệp quay lại hoạt động, nhưng tinh thần đề cao cảnh giác, ý thức tiếp tục phòng chống dịch vẫn phải được các địa phương, doanh nghiệp đề cao hơn nữa.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

Mới đây, tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra giải pháp cho công nhân lưu trú tại nhà máy để đảm bảo an toàn. Theo ông, các doanh nghiệp có nên tính toán đến phương án này trước khi trường hợp xấu hơn xảy ra?

Cho đến nay, điều này là cần thiết. Thừa nhận rằng đây là vấn đề gây khó khăn với doanh nghiệp và là biện pháp tương đối cực đoan với công nhân, nhưng thà như vậy để phòng dịch kịp thời hơn là để dịch bùng phát một lần nữa.

Chủng mới của virus ngày càng phức tạp, thậm chí người mắc phải không có những biểu hiện được khuyến cáo như trước đây. Do đó, ăn, ở trong nhà máy cũng là vì quyền lợi của công nhân. Công nhân ra ngoài tiếp xúc với nhiều đối tượng khác, nguy cơ lây nhiễm cao, có thể phải cách ly, tạm dừng công việc, không có thu nhập để đảm bảo đời sống.

Doanh nghiệp phải giãn cách, không tiếp tục sản xuất được thì không đảm bảo thời hạn trong hợp đồng, phải đền bù cho khách hàng, dẫn tới bên nào cũng thiệt. Doanh nghiệp nên giải thích rõ những thiệt hại, được hơn với công nhân để nhận được sự hợp tác tốt nhất.

Nếu để tình trạng bùng phát dịch trong khu công nghiệp lần nữa, những rủi ro nào có thể xảy ra, thưa ông?

Nếu để dịch bùng phát trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp sẽ phải dừng hoạt động. Đây là một trong những vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và tác động đến tăng trưởng nền kinh tế cả nước trong tương lai nói chung.

Dù thách thức còn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% hoặc trên đó có thể hoàn thành.

Ví dụ ở các khu công nghiệp lớn, những doanh nghiệp như Samsung có vị trí, vai trò quan trọng trong GDP Việt Nam. Khi đi vào sản xuất, các doanh nghiệp này đã kéo GDP cả nước tăng lên đáng kể. Như vậy, khi doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, nền kinh tế sẽ có dấu hiệu chững lại. Thậm chí, điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả quốc gia, không chỉ riêng một địa phương.

Doanh nghiệp không sản xuất thì không thể tồn tại. Nhìn lại năm 2020, nước ta mới chỉ mở đầu cho công tác giãn cách xã hội mà kinh tế đã bị tác động nặng nề. Còn hiện nay, nếu dịch bệnh bùng phát lớn hơn trong các khu công nghiệp, nền kinh tế của chúng ta rất khó có khả năng chống đỡ tốt.

Ngoài ra, ai cũng biết Covid-19 là đại dịch vô cùng nguy hiểm, tốc độ lây lan khủng khiếp. Trong điều kiện đông người như khu công nghiệp, việc lây lan càng trở nên dễ dàng. Tốc độ lây lan nhanh thì công tác phòng chống dịch cũng như các điều kiện đảm bảo cho hoạt động chống dịch sẽ rất khó khăn.

Khi Việt Nam chưa có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện tốt nhất cho phòng chống dịch, điều này càng trở nên nghiêm trọng. Đảm bảo hoạt động cho các khu công nghiệp không nên chỉ nhìn ở khía cạnh tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà nó còn là vấn đề khống chế đại dịch có thành công hay không và liên quan trực tiếp đến tính mạng người lao động.

Với tình hình này, theo ông, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% được đưa ra từ đầu năm có còn khả thi?

Dù thách thức còn nhiều, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% hoặc trên đó có thể hoàn thành. Với cách thức chống dịch hiện nay như bịt chặt biên giới, khoanh vùng phù hợp, thực hiện giãn cách xã hội có giới hạn, chúng ta vẫn có thể vừa sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ngoài ra, căn cứ vào mức tăng trưởng tích cực từ những tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp mới thành lập lớn, vốn FDI nhiều, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng đáng kể (trong đó có thị trường Mỹ tăng trưởng 50%), vẫn có niềm tin chúng ta có thể đạt được con số 6,5%.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đặc biệt nhấn mạnh doanh nghiệp và người dân cần đề cao cảnh giác, tích cực phòng chống dịch bệnh, đảm bảo giảm thiểu lây lan, nhất là trong các khu công nghiệp.

Theo ông, để đạt được mục tiêu, doanh nghiệp nên thực hiện những biện pháp nào và cần được hỗ trợ ra sao để đối phó với tình hình dịch vẫn đang căng thẳng?

Đối với doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của nội tại doanh nghiệp cần phải được thay đổi, trong đó có tự tái cấu trúc hướng đến tiết kiệm mọi chi phí.

Nhân dịp này, các đơn vị có thể chuyển đổi sang số hóa vừa giúp giảm chi phí, vừa tận dụng được tốt nhất các cơ hội tiêu thụ hàng hóa trong nước, mở rộng nguồn cung đầu vào, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ để doanh nghiệp có thể phát triển trong thời gian tới. Chúng ta đã có Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Vậy nên làm thế nào để doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi đó, giúp họ có được dòng tiền tốt nhất đưa vào sản xuất kinh doanh là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xem xét, đẩy mạnh việc giảm phí từ 50-100% cho 29 loại phí, lệ phí trong năm 2021 cho doanh nghiệp như năm ngoái. Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, thị trường xuất khẩu thông qua các thương vụ từ đại sứ quán.

Để các doanh nghiệp tự ra nước ngoài vào thời điểm này sẽ rất khó. Vậy nên cần nhờ vào các thương vụ của đại sứ quán nhằm kết nối với khách hàng, từ đó ký kết, xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ là cơ sở để chúng ta đạt được mức tăng trưởng mục tiêu trên 6,5%.

Nhờ các biện pháp khoanh vùng và kiểm soát dịch hiệu quả của cơ quan chức năng mà hoạt động sản xuất dần được phục hồi. Tính đến ngày 1/6, đã có 10 doanh nghiệp với 4.000 công nhân tại tỉnh Bắc Giang được quay trở lại hoạt động.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh cũng khẩn trương triển khai kế hoạch cho người lao động lưu trú tại nhà máy bắt đầu từ ngày 2/6 nhằm duy trì sản xuất liên tục, hướng tới cân bằng mục tiêu kép của Chính phủ.

Tin bài liên quan