Petrolimex muốn cái gì?

Petrolimex muốn cái gì?

Con số 2.021 tỷ đồng tiền lãi trước thuế của năm 2013, trong đó phần đóng góp từ kinh doanh xăng dầu là 848,5 tỷ đồng mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)  vừa công bố đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dư luận quan tâm vì xăng dầu nằm trong danh mục các mặt hàng thiết yếu, phần lớn người dân phải tiêu dùng trong cuộc sống hàng ngày. Dư luận quan tâm còn bởi Petrolimex là doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường (trên 50%), dù số  các đầu mối được phép kinh doanh xuất nhập khẩu mặt hàng này hiện xấp xỉ con số 20. Nhưng cũng phải thừa nhận, mức lợi nhuận thu được từ kinh doanh xăng dầu này, xét về tổng thể là cao, nhưng nếu tính cho mỗi lít xăng thì không nhiều (hơn 100 đồng/lít). Nếu so với lợi nhuận định mức 300 đồng/lít mà liên bộ Tài chính – Công thương đặt ra cho kinh doanh xăng dầu, rõ ràng còn nhiều khoảng cách. Thậm chí, lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex còn kém xa con số 1.357 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Công ty TNHH Castrol BP Petco - nơi Petrolimex đang nắm 35% vốn điều lệ.                                

Trên thực tế, thị trường xăng dầu đã và đang diễn ra sự cạnh tranh quyết liệt để giành giật thị phần giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bởi số lượng hiện lên tới gần 20. Trừ một vài đầu mối có tiềm lực như PV Oil, Saigon Petro, Mipec… nhưng còn thua xa Petrolimex, đa phần các đầu mối kinh doanh xăng dầu mới được cấp phép trong hơn 2 năm qua đều có quy mô loại vừa và nhỏ. Một thực tế đáng quan tâm nữa là việc xăng dầu vẫn đóng cửa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu mới được phép tham gia phân phối phần sản phẩm tự sản xuất ra cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường xăng dầu nội địa thiếu đi những động lực thực sự để các doanh nghiệp đầu mối hoạt động hiệu quả hơn.

Bởi vậy, dù Chỉ thị 11/CT-BCT vừa được Bộ Công thương ban hành mới đây nhằm minh bạch hoá hoạt động kinh doanh xăng dầu, theo đó yêu cầu Petrolimex phải chủ động công khai báo cáo tài chính, thu nhập tại Petrolimex hay trích quỹ bình ổn giá nhưng xem ra không hứa hẹn nhiều đột biến trên thị trường xăng dầu.

Ở một góc độ khác, mối quan tâm của dư luận về giá xăng dầu, lãi lỗ của doanh nghiệp đầu mối còn liên quan đến câu chuyện sửa Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu vốn đang tồn tại nhiều bất cập.

Đơn cử vào thời điểm ngày 22/4 vừa qua, giá xăng dầu đã tăng nhẹ từ 130 - 210 đồng/lít. Các mức tăng giá này chính là mức lỗ giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu trước đó.

Lỗ dẫn tới phải tăng giá, song các doanh nghiệp vẫn phải trích lập Quỹ Bình ổn giá với mức đồng loạt 300 đồng/lít (kg) cho cả 4 mặt hàng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, người dân vừa phải trả thêm một khoản cho lần tăng giá vừa qua, vừa phải trả trước một khoản dự phòng cho tương lai.

Đáng nói là vào ngày 8/4, Bộ Tài chính cho biết số dư quỹ bình ổn có hơn 842 tỷ đồng trong đó, tổng số tiền trích quỹ đạt tới hơn 1.043 tỷ đồng và số tiền đã xả ra để bù lỗ chỉ có hơn 370 tỷ đồng. Đây thực chất là số tiền của người dân đóng góp, nhưng lại được để trong tài khoản của doanh nghiệp và do bộ này quyết định việc sử dụng trong khi nếu gửi tiết kiệm với lãi suất không kỳ hạn, thì số tiền lời mỗi ngày, mỗi tháng không phải là nhỏ.

Mặc dù theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ở thời điểm này, sau khi tính thuế, phí, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức... doanh nghiệp vẫn lỗ 50 đồng/lít. Tuy vậy, theo quy định, doanh nghiệp được sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 200 đồng/lít nên tính ra, doanh nghiệp xăng dầu đã có lãi 150 đồng/lít đối với mặt hàng xăng. Còn các mặt hàng dầu đang có lãi 90 - 121 đồng/lít (kg).

Như vậy, điệp khúc kêu lỗ để tăng giá vẫn tiếp diễn trong điều hành giá xăng dầu, việc điều chỉnh trích quỹ rồi ngưng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không theo quy luật nào có thể vẫn tiếp diễn. Chính bởi vậy, dư luận trông chờ Nghị định 84/2009/NĐ-CP có tới 25 điều cần sửa trong tổng số 35 điều, sẽ làm minh bạch hơn thị trường xăng dầu.

Tin bài liên quan