Petrolimex lỗ 2.604 tỷ đồng năm 2011

Petrolimex lỗ 2.604 tỷ đồng năm 2011

Theo Kiểm toán nhà nước, doanh nghiệp lỗ 2.604 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá.

Theo Tổng kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng, trong phiếu ghi chất vấn, đại biểu Quốc hội đề nghị cung cấp thông tin về kết quả kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối lớn (hôm 29/10), kiểm toán Nhà nước đã phát hành báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2011 tại Petrolimex.

 

Theo đó, chênh lệch tỷ giá ngoại tệ tăng cao đột biến. Riêng với Petrolimex, đánh giá lại số dư vay và nợ vay phải trả bằng ngoại tệ ngày 11/2./2011 thì lỗ chênh lệch tỷ giá đã lên tới 1.853 tỷ đồng. Tiếp đến là giá bán lẻ nhiều giai đoạn thấp hơn giá cơ sở do liên bộ Công thương-Tài chính thực hiện các biện pháp bình ổn giá xăng dầu.

 

Nguyên nhân khác là do chi phí kinh doanh tăng do các yếu tố tiền thuê đất, tiền lương, chi phí vận chuyển tăng và một số nguyên nhân khác.

 

Cụ thể hơn, lợi nhuận trước thuế năm 2011 theo báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex lỗ 1.423 tỷ đồng. Bao gồm: lỗ của khối kinh doanh xăng dầu là 2.358 tỷ đồng (trong đó lỗ kinh doanh xăng dầu là 2.604 tỷ đồng), lãi của khối các công ty cổ phần, kinh doanh khác và do bù trừ hợp nhất báo cáo tài chính 935 tỷ đồng. Số lỗ 1.423 tỷ đồng chưa tính đến khoản lỗ do định giá lại các khoản đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán tại thời điểm chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần là 949 tỷ đồng.

 

Năm 2009 và năm 2010, kiểm toán Nhà nước không thực hiện kiểm toán tại Petrolimex. Song theo báo cáo của doanh nghiệp này, năm 2009 họ lãi 2.660 tỷ đồng và năm 2010 lỗ 172 tỷ đồng.

 

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, năm 2011, kết quả kiểm toán tại Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipeco) cho thấy đơn vị này lỗ 18 tỷ đồng (năm 2009 lỗ 54 tỷ đồng và năm 2010 lỗ 136 tỷ đồng). Nguyên nhân lỗ của Mipeco cũng tương tự như Petrolimex. Song nơi này lỗ lũy kế toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh đến 31/12/2011 là 568 tỷ đồng. Thị phần của Mipeco còn 2,2% (theo thống kê của Bộ Công thương).

 

Riêng Saigon Petro, kiểm toán Nhà nước đang thực hiện kiểm toán, chưa có kết quả cuối cùng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Saigon Petro, năm 2009 họ lãi 205 tỷ đồng, năm 2010 lãi 345 tỷ đồng và năm 2011 lỗ 63 tỷ đồng. Thị phần của Saigon Petro đến cuối năm 2011 là 11,9%.

 

Bộ Công Thương vừa có góp ý dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 234 của Bộ Tài chính về cơ chế hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu. Bộ Công Thương để nghị, để minh bạch giá cơ sở cần thống nhất định mức cụ thể của chi phí kinh doanh xăng dầu định mức và lợi nhuận định mức trước thuế .

 

Ví dụ: chi phí kinh doanh là 860 đồng/lít, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Hoặc con số này sẽ được Bộ Tài chính điều chỉnh và công bố tại thời điểm tháng đầu tiên hàng năm hay quý I và có nguyên tắc, cơ sở tính toán điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức.

 

Bộ Tài chính đã dự kiến mức thù lao đại lý không quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức. Song Bộ Công thương cho rằng cần phải quy định cả mức thù lao tối thiểu (không quá 30% chi phí định mức) để ngăn ngừa tình trạng đầu mối ngăn đại lý nhập hàng, giảm lỗ.

 

Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét việc ngừng trích quỹ bình ổn xăng dầu vì không thể trích quỹ từ túi người tiêu dùng mãi mà không có thời hạn và quy định cụ thể.