Hàng tồn kho của Petrolimex có nhiều giai đoạn “nổi sóng” với những thời điểm có biến động lên tới hàng chục phần trăm.

Hàng tồn kho của Petrolimex có nhiều giai đoạn “nổi sóng” với những thời điểm có biến động lên tới hàng chục phần trăm.

Petrolimex cân não trong điều tiết hàng tồn kho

Hàng tồn kho biến động qua từng giai đoạn và điều tiết lượng hàng này ở mức độ nào luôn là bài toán hóc búa của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX, sàn HoSE), đại gia có thị phần số một trong bán lẻ xăng dầu.

Dập dềnh kho xăng ngàn tỷ

Trong cơ cấu tài sản của Petrolimex, hàng tồn kho là một trong những nhóm tài sản nổi bật nhất nếu xét về giá trị. Tại thời thời điểm cuối năm 2019, giá trị hàng tồn kho đứng thứ hai và chỉ thua tài sản cố định của doanh nghiệp này.

Cụ thể, tổng tài sản của Petrolimex là 61.884 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định là nhóm tài sản lớn nhất với giá trị 15.401,8 tỷ đồng, tiếp đó là hàng tồn kho với giá trị 11.777 tỷ đồng (giá trị sau khi đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho).

Hàng tồn kho của Petrolimex đã tăng tới 14% so với con số 10.332,7 tỷ đồng của đầu năm 2019. Theo dõi diễn biến từng quý, hàng tồn kho biến động với biên độ rất khác nhau trong từng giai đoạn, có những quý chỉ dao động vài phần trăm, nhưng có quý biến động mạnh tới gần 20%.

Cụ thể, hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý I/2019 ở mức 11.555,7 tỷ đồng, tăng tới 11,8% so với đầu quý I, nhưng sau đó lại giảm mạnh xuống 10.887,6 tỷ đồng (giảm 5,8%) và tiếp tục giảm sâu xuống 9.866,4 tỷ đồng vào cuối quý III/2019 (giảm 9,4%). Biến động mạnh nhất của hàng tồn kho rơi vào quý IV/2019, lên tới 19,4%.

Nhìn xa hơn vào diễn biến hàng tồn kho theo năm, kho xăng của Petrolimex cũng có nhiều giai đoạn “nổi sóng” với những thời điểm có biến động lên tới hàng chục phần trăm. Cụ thể, hàng tồn kho của Petrolimex cuối năm 2015 ở mức 7.614,5 tỷ đồng, sau đó tăng mạnh tới 13,3% trong năm 2016. Tuy nhiên, thời điểm tăng khủng nhất của kho xăng Petrolimex là giai đoạn 2017 với mức tăng lên tới trên 49%. Tốc độ tăng hàng tồn kho trong 2 năm từ cuối 2015 đến 2017 đã tăng tới gần 69%, nhưng lại quay đầu giảm mạnh trong năm 2018 với mức giảm 20%.

Bài toán cân não

Biến động giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp thường xuất phát từ một số nguyên nhân chính, chủ yếu do thay đổi về khối lượng hàng trong kho hoặc do biến động giá đầu vào. Đặc biệt, Petrolimex là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng có tính chất đặc thù khi vừa phải đáp ứng yêu cầu về hiệu quả kinh doanh, nhưng cũng phải thực hiện đảm bảo đủ nguồn cung hàng trên thị trường.

Petrolimex cân não trong điều tiết hàng tồn kho ảnh 1

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư gần đây, đại diện Petrolimex cho biết, tồn kho chủ yếu là mặt hàng xăng dầu do Petrolimex phải đảm bảo tồn kho theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Riêng trong năm 2019, giá trị hàng tồn kho tăng chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tại chu kỳ cuối năm 2019 tăng so với cùng kỳ năm 2018. 

Cụ thể, theo quy định tại Điều 31, Nghị định  83/2014/NĐ-CP, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (ngày 1/11/2014) đến năm 2025, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu 30 ngày cung ứng, tính theo sản lượng tiêu thụ nội địa bình quân 1 ngày của năm trước liền kề.

Với tính chất này, “khoảng trễ” tối thiểu mà các doanh nghiệp xăng dầu, trong đó có Petrolimex phải thực hiện cho việc hàng về và xuất hàng bán trên thị trường là khoảng 30 ngày.

Ngoài ra, cuộc chơi có thể còn phức tạp hơn nếu doanh nghiệp nhập hàng với số lượng nhiều hơn mức tối thiểu theo quy định. Theo đó, nếu nhập lượng hàng lớn đúng vào thời điểm giá xăng dầu quốc tế ở mức thấp, nhưng sau đó tăng lên thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn so với việc nhập nhiều vào đúng thời điểm giá cao. Đây là cuộc chơi đầy cân não trong bài toán hàng tồn kho đối với các doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho lớn trong cơ cấu tài sản.

Riêng với Petrolimex, một bài toán học búa nữa cũng liên quan đến dự trữ hàng tồn kho là câu chuyện biến động tỷ giá. Đại diện Petrolimex cho biết, hàng tồn kho của Tập đoàn có thể phân làm 2 loại. Các lô hàng nhập mua từ Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn được thanh toán bằng đồng Việt không bị ảnh hưởng bởi tỷ giá. Trong khi đó, với các lô hàng nhập khẩu thanh toán bằng USD, Petrolimex đã triển khai các công cụ phòng vệ rủi ro biến động tỷ giá, để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tỷ giá và kiểm soát được biến động tỷ giá đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan