PBOC bơm tiền, chặn tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm hơn 78 tỷ USD trong 2 phiên giao dịch đầu tuần nhằm hỗ trợ thị trường tài chính trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Chứng khoán nước này vẫn đỏ lửa, nhưng đà bán tháo trên thị trường toàn cầu có dấu hiệu giảm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm gần 8% khi đóng cửa phiên đầu tuần. Ảnh: AFP

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm gần 8% khi đóng cửa phiên đầu tuần. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc vẫn ngập tràn sắc đỏ

PBOC đã có bước can thiệp trực tiếp đầu tiên vào hệ thống tài chính nhằm cùng với nền kinh tế chống đỡ tác động tiêu cực mà dịch cúm do virus Corona tạo ra.

Theo đó, PBOC bơm 150 tỷ nhân dân tệ (21,4 tỷ USD) vào thị trường trong phiên giao dịch đầu tuần thông qua các thoả thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, đồng thời hạ lãi suất với các hợp đồng vay xuống 10 điểm cơ bản.

Động thái này nhằm giảm chi phi vốn, đảm bảo thanh khoản của hệ thống tài chính trong giai đoạn đặc biệt khi dịch bệnh do virus Corona gây ra bùng phát.

Cố vấn của PBOC Ma Jun còn có phát biểu cho thấy, nhiều khả năng sẽ có thêm hành động hạ lãi suất vào cuối tháng này.

Việc bơm tiền vào thị trường là một phần trong kế hoạch tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán trước đà bán tháo mạnh mẽ và cổ vũ các doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, cũng như kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc tỏ ra tự tin rằng, tác động của đợt dịch này tới nền kinh tế là không nghiêm trọng, nhưng PBOC và nhiều cơ quan quản lý khác đang chuẩn bị để có thể kiểm soát và hạn chế bớt các rủi ro trên thị trường tài chính, trước khi các hậu quả trở nên rõ ràng hơn.

Thay vì sử dụng phương pháp truyền thống dựa vào lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm, hiện tại, PBOC áp dụng nhiều công cụ chính sách khác nhau, bao gồm việc bổ sung các dòng vốn ngắn và trung hạn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính ở các mức lãi suất khác nhau.

Lãi suất khoản vay mới (dựa vào lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm của 18 ngân hàng lớn nhất) dự kiến sẽ được thông báo vào ngày 20/2.

Hành động bơm tiền giải cứu thị trường được công bố trước khi thị trường chứng khoán Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi đóng cửa vì dịch bệnh, nhưng không phải là phương pháp “cầm máu” hiệu quả.

Cổ phiếu, đồng nhân dân tệ và giá cả hàng hoá thị trường tương lai đồng loạt lao dốc ngay khi thị trường mở cửa.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm gần 8% khi đóng cửa phiên đầu tuần. Chỉ số Shanghai Composite lao dốc mạnh nhất trong ngày kể từ tháng 8/2015, với mức giảm 7,72%.

Với việc hàng trăm cổ phiếu giảm tối đa mức 10% giới hạn trong ngày, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Đại lục bốc hơi 393 tỷ USD. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ đánh mất mức 1 USD đổi 7 nhân dân tệ.

Ngay sau khi thị trường đóng cửa, cơ quan báo chí của PBOC đã công bố tài liệu với nhận định: đà bán tháo trên thị trường chứng khoán xuất phát từ nhiều yếu tố phức tạp, bóp cò cho sự hoảng loạn. Trong khi đó, tác động mà dịch cúm do virus Corona gây ra chỉ là tạm thời và hạn chế, nhất là khi quý I thường không có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế cả năm.

Trước tác động lan toả từ dịch bệnh, thị trường chứng khoán châu Á đã giảm liên tục trong 8 phiên, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 9/2018.

Do đa số các thị trường đỏ lửa, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua.

Lĩnh vực dịch vụ, năng lượng và nguyên liệu là đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên và nặng nề nhất. Theo báo cáo của các nhà tư vấn lĩnh vực công nghiệp năng lượng, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày, tương đương 20% tổng lượng tiêu thụ khi dịch bệnh làm đình trệ nền kinh tế.

Đà bán tháo trên thị trường toàn cầu sẽ giảm

Gần 22 tỷ USD bơm ra thị trường không đủ sức ngăn chặn đà lao dốc tại thị trường chứng khoán và tiền tệ Trung Quốc, nhưng được đánh giá sẽ làm dịu đà bán tháo trên thị trường toàn cầu.

PBOC bơm tiền, chặn tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán ảnh 1

Diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu trước các đại dịch.

Stephen Innes, nhà kinh tế trưởng tại Axicorp (Thái Lan) nhận định, hành động trên không chỉ tạo bệ đỡ cho thị trường, mà còn củng cố niềm tin rằng, PBOC sẽ có thêm các động thái can thiệp vào hệ thống tài chính.

Đây là lý do khiến các thành viên thị trường toàn cầu kỳ vọng sẽ có thêm nhiều lớp đệm dày dặn, êm ái hơn nữa đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc và tạo tác động tích cực tới thị trường toàn cầu.

Chẳng hạn, tại thị trường tiền tệ, nhà đầu tư toàn cầu đã tỏ ra thoải mái hơn nhờ động thái của PBOC.

Đồng đô la Úc, được xem là tài sản đầu tư thay thế nhân dân tệ và dành cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro, được giao dịch với mức giá tăng 0,1% trong phiên đầu tuần, trong khi các đồng tiền mang tính an toàn hơn như yên Nhật, franc Thuỵ Sĩ giảm giá.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã khởi động phiên nối tiếp thị trường châu Á trong sắc xanh, khi cả 3 chỉ số chính là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite đều leo dốc. Nỗ lực phục hồi này xuất hiện sau khi chứng khoán Mỹ đỏ lửa trong phiên cuối tuần trước, khiến chỉ số Dow Jones có ngày giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 8/2019, cũng là mức giảm mạnh thứ 5 trong lịch sử chỉ số.

Thực tế cho thấy, suy nghĩ này của các thành viên thị trường là chính xác, bởi PBOC đã tiếp tục bơm 400 tỷ nhân dân tệ (57 tỷ USD) trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/2), đồng thời thiết lập tỷ giá tham chiếu ở mức 1 USD đổi 6,9779 nhân dân tệ, cao hơn so với giá đóng cửa trong phiên trước đó.

J. Reed Murphy, Giám đốc đầu tư tại Calamos Wealth Managemnet chia sẻ, số liệu thị trường thể hiện phản ứng của chứng khoán với 15 lần bùng phát dịch bệnh tại cả quy mô khu vực và toàn cầu (đo lường bằng diễn biến của chỉ số S&P 500) cho thấy một quy luật.

Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu thường giảm, trong khi nhóm ngành dược phẩm - y tế leo dốc. Mức tăng trung bình của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ khi dịch bùng phát là âm 0,7%.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, con số này nhanh chóng quay về mức dương và duy trì đà leo dốc sau đó.

Trung bình, chứng khoán Mỹ tăng khoảng 9,9% trong 12 tháng sau khi dịch bùng phát. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có diễn biến tương đồng với chứng khoán Mỹ.

Theo giới chuyên gia, tác động của các sự kiện y tế tới thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung là ngắn ngủi.

Nhà đầu tư dài hạn luôn chú trọng tới khả năng tăng trưởng trong tương lai và tập trung vào triển vọng kinh tế.

Trong khi đó, tác động của các sự kiện y tế khẩn cấp trên toàn cầu đối với tăng trưởng kinh tế là rất hạn chế.

Chẳng hạn, dịch SARS được ước tính khiến tăng trưởng GDP toàn cầu giảm khoảng 0,15%. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, các dịch bệnh thường chỉ gây tác động mang tính khu vực.

“Bài học từ dịch SARS cho thấy, thời điểm tâm lý nhà đầu tư có chuyển biến rõ ràng là khi số lượng các ca nhiễm bệnh mới bắt đầu giảm xuống”, Larry Hu, người đứng đầu đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Capital chia sẻ.

Hiện tại, các chiến lược gia tin rằng, chỉ các thị trường chứng khoán châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Corona, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ có phần “miễn nhiễm”.

Thị trường Mỹ chỉ chịu tác động mạnh nếu virus Corona có khả năng gây tử vong cao hơn và lan rộng hơn nữa tới cư dân cả trong và ngoài Đại lục.

Tin bài liên quan