Passion Investment từng lỗ hàng trăm tỷ đồng khi all in vào cổ phiếu VPB

Passion Investment từng lỗ hàng trăm tỷ đồng khi all in vào cổ phiếu VPB

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho biết, ai cũng có xu hướng quên dần cảm xúc, cảm giác đau thương ngày xưa, nhưng điều này nguy hiểm là trong tương lai mình có thể lặp lại sai lầm đó.

Trong chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 5 vừa qua, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment đưa ra góc nhìn về triển vọng giá dầu đi lên 100 USD/thùng không còn lớn bằng đoạn tăng gần gấp đôi từ vùng giá 30 - 40 USD/thùng lên 80 USD/thùng như hiện nay. Còn nếu nói giá dầu tăng mạnh thời gian tới là khó, vì tình hình các ngân hàng trung ương giảm chính sách tiền tệ thì giá dầu và giá hàng hoá nói chung khó mà tăng tiếp. Ngành dầu khí Việt Nam thì năng lực nguồn cung không được mở rộng, tức nếu việc tăng chỉ đến từ tăng giá, không đến từ sản lượng thì đà tăng không hiệu quả.

“Tôi cũng không thích ngành dầu khí”, ông Trung nói.

Quan điểm cá nhân ông Phạm Lưu Hưng, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI cho rằng, cổ phiếu nhóm này chạy theo giá dầu khá sát. Khi đầu tư vào một ngành chạy theo biến số phức tạp và là khó dự báo, khó kiểm soát như giá dầu thì không phải là gu ưa thích của ông. Theo đó, chỉ có thể xem xét đầu tư ngắn hạn với ngành dầu khí.

Nhóm ngành cổ phiếu được quan tâm tiếp theo là chứng khoán, hưởng lợi từ thanh khoản thị trường gia tăng, nhưng tuần vừa qua, cổ phiếu nhóm này tiếp tục giảm mạnh. “Gãy trend” là từ được nhắc đến cho cổ phiếu chứng khoán.

Theo ông Hưng, về kết quả kinh doanh không có vấn đề gì, khối lượng giao dịch thị trường tăng 50% nên triển vọng không có gì đáng ngại. Nhưng chứng khoán còn được quyết định bởi cung cầu, chứ không chỉ yếu tố cơ bản nên cũng có các kỳ vọng khác nhau. Chẳng hạn, sau cú giảm vừa qua, số lượng nhà đầu tư xa rời thị trường sẽ nhiều hơn, thì áp lực sẽ đến với CTCK, ngược lại, sau tết dòng tiền lại đổ vào thị trường thì CTCK sẽ ổn định.

Chia sẻ về ngành chứng khoán và ngân hàng, ông Trung chia sẻ nghiên cứu của Passion có 2 giai đoạn thị trường tăng mạnh nhất là sau khủng hoảng từ đáy đi lên – tăng mạnh và giai đoạn cuối chu kỳ kinh tế khi kinh tế bùng nổ. Thị trường chứng khoán 2020 - 2021 đi từ đáy đi lên tăng rất mạnh, còn hiện là giai đoạn ở giữa nên gần như không tăng mấy, chỉ 5 - 7%, thì cũng rất khó có ngành nào tăng mạnh.

Bản thân 2 ngành trên cũng tương tự, đã tăng rất mạnh rồi, thì giờ cổ phiếu sẽ tăng từ từ đi theo kết quả kinh doanh, và mức độ tăng trưởng của cổ phiếu không còn quá lớn trong thời gian tới – theo đó không phải là ngành có triển vọng lớn, nhưng ở riêng từng cổ phiếu thì vẫn có cổ phiếu đang rẻ, có câu chuyện riêng thì cổ phiếu đó có thể tăng mạnh hơn.

Cú "đạp" mạnh vừa có có khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường?

Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư chứng kiến tài khoản bốc hơi nhanh chóng khi all in giá cao vào cổ phiếu đầu cơ tăng nóng, chẳng hạn ở các cổ phiếu CEO, FLC, ROS, DIG, CII, NBB…. Một nhà đầu tư cho biết, lãi 10 tỷ đồng không chốt lời, và chỉ qua vài phiên biến động tuần qua, đã bay lãi 7 tỷ đồng và đã phải nhanh chóng bán tháo. Nhà đầu tư này còn may mắn hơn rất nhiều các nhà đầu tư khác không chỉ không giữ được lãi mà còn bị âm vào vốn.

Nhiều nhà đầu tư F0 chia sẻ trên diễn đàn rằng, cú giảm vừa qua, bị tạo lập đạp cho như thế này chắc 10 năm nữa mới dám trở lại?

Tuy nhiên, ông Hưng không nghĩ như vậy: "Nhà đầu tư và cả bản thân tôi cũng vậy, có “não cá vàng”, chỉ cần sau tết chỉ cần thị trường tăng mạnh trở lại thì quên hết tháng 1 như thế nào. Nhưng lịch sử thì luôn lặp lại, nhà đầu tư “quên nhanh” cũng không tốt cho hoạt động đầu tư".

Còn trong đầu tư, ông Trung chia sẻ, khi đầu tư đều có kế hoạch nếu thua lỗ thì làm gì. Nếu không hiểu mà đã giải ngân thì bước đầu đã sai, và lỗ thì phải dừng lại, nghiên cứu lại, tĩnh tâm trước khi quyết định tiếp vì giờ cảm xúc đang bị rối loạn, không thể tư duy được, hay còn gọi là tình trạng “đông cứng về tư duy” vì đã mất quá nhiều tiền.

“Khi mất tiền, cảm xúc tăng lên rất mạnh và không tư duy được, kinh nghiệm của tôi là nếu không đủ can đảm cắt lỗ thì hãy cắt từng phần, cắt 1/2 để tỉnh táo lại và quyết định”.

Ông Hưng nhắc lại, nếu thua lỗ kéo dài thì nên dừng giao dịch, luôn cần có kế hoạch giao dịch, chứ bước vào giờ giao dịch rồi bị cuốn theo diễn biến trong phiên thì rất khó.

“Nếu đầu tư lãi rất nhiều thì khả năng cao may mắn là chính, trông vào may mắn quá nhiều khi đầu tư thì như đánh bạc. Trong đánh bạc thì phải có may mắn mới thắng được, và may mắn nhất là biết đứng dậy đi về”, ông Hưng nói.

Nhà đầu tư chỉ cần thắng lớn thì sự tự tin tăng lên, mạnh dạn giải ngân gia tăng và thậm chí là all in, thay vì đa dạng hoá danh mục.

Theo ông Trung, nếu đa dạng hoá quá lớn thì danh mục sẽ có return như Index, còn nếu giảm đa dạng hoá danh mục thì có thể có sự khác biệt với Index. Đa phần nhà đầu tư giỏi nhất trên thế giới không hướng đến đa dạng hoá danh mục quá lớn, như Berkshire của Warrant Buffett có danh mục đầu tư 300 tỷ USD, nhưng gần 50% đầu tư vào Apple.

Tương tự như quan điểm đầu tư của Passion, hướng đến có danh mục tốt hơn thị trường, nên phải giảm đa dạng hoá, tập trung vào một số cổ phiếu tốt, tất nhiên chỉ có danh mục tốt nếu dự báo đúng, và lỗ khi dự báo sai. Đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, rõ ràng, việc dự báo đúng và lựa chọn đúng là sứ mệnh để làm.

Nhưng để làm đúng không hề dễ. Như bản thân ông Lã Giang Trung, năm 2018 "all in" vào cổ phiếu VPB và sau đó, gánh chịu khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng và thậm chí phải bán nhà.

Giai đoạn 2015-2018, tỷ lệ các thương vụ đầu tư của Passion là đều đúng, dẫn đến sự tự tin cao và nghĩ rằng mình không thể lựa chọn sai được.

"Với VPB, lúc thoái khỏi khoản đầu tư này thì lỗ khoảng 20%, không quá lớn, nhưng nói về giá trị tuyệt đối là rất nhiều", ông Trung cho biết.

Sau khi ăn trái đắng đó, ông Trung cho biết, nhà đầu tư nào cũng có quá trình tiến hoá. Với bản thân, ông rút ra kinh nghiệm: “Bất kỳ quyết định nào ở thời điểm nào đều có xác suất đúng và sai, và mình thì cần chuẩn bị hướng xử lý cho từng kịch bản xảy ra”. Khi nào tỷ lệ thắng thì ta mới có thể đặt 100% - all in, tuy nhiên, để xác định được tỷ lệ đặt cược và xác suất cho mỗi khoản đầu tư là bao nhiêu đó là nghệ thuật trong đầu tư.

“Ai cũng có xu hướng quên dần cảm xúc, cảm giác đau thương ngày xưa, tôi cũng thế, nhưng điều này nguy hiểm là trong tương lai mình có thể lặp lại sai lầm đó. Nhà đầu tư chỉ có thể duy trì được kỷ luật khi luôn nhớ những cảm xúc thương đau đã qua”, ông Trung nói.

Thậm chí có giai đoạn, ông Trung mất đi sự tự tin rằng mình không có năng lực đầu tư. Và hóa giải bằng cách quay trở lại thị trường với một khoản vốn nhỏ, không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà để tìm lại cảm giác tự tin. Với khoản vốn nhỏ, giải ngân đầu tư và sinh lợi để từng bước tự tin, và điều chỉnh cách đầu tư, quản trị rủi ro hơn, nghe ý kiến phản biện nhiều hơn và luôn tâm niệm “mình có thể sai”.

Theo đó, cách làm hiện nay của Passion là vẫn đầu tư tập trung nhưng không all in.

Ông Hưng thì chia sẻ, thực ra các chuyên gia, nhà đầu tư thực thụ như Warrent Buffet vẫn đưa ra lời khuyên với nhà đầu tư thông thường nên đầu tư vào quỹ chỉ số, tức các nhà đầu tư thông thường vẫn phải đa dạng hoá, và với nhà đầu tư chưa thành thạo thì nên bỏ vốn vào các quỹ đầu tư chỉ số thì cũng tương đối tốt hơn so với việc tự đầu tư. Còn với nhà đầu tư chuyên nghiệp, chẳng hạn như Warrent thì 3 cổ phiếu trong danh mục đã chiếm đến 60% NAV – rất tập trung.

“Cá nhân tôi cũng rất thích all in, nhưng cần nhớ như trường hợp anh Trung vừa chia sẻ, khi đầu tư 10 lần trong đó 9 lần đúng thì không sao cả, nhưng chỉ cần 1 lần sai có khi lại mất hết – không có quản trị rủi ro thì mình sẽ mất hết”, ông Hưng chia sẻ.

Tin bài liên quan