Alan Georges (A.G.) Lafley.

Alan Georges (A.G.) Lafley.

P&G đón “người hùng” cũ trở lại

(ĐTCK) Cuối tuần qua, Procter & Gamble (P&G), tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới của Mỹ đã có quyết định khá bất ngờ là bãi nhiệm ông Bob McDonald, 60 tuổi khỏi chức giám đốc điều hành (CEO) và bổ nhiệm ông Alan Georges (A.G.) Lafley, 66 tuổi thay thế. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Ông A.G Lafley đã chính thức nghỉ hưu ở P&G từ năm 2009, nay lại quay trở lại nắm quyền lãnh đạo Tập đoàn. Động thái này đã gây ra nhiều ý kiến đánh giá trái chiều.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đây là quyết định khôn ngoan, chắc ăn của Ban lãnh đạo P&G, bởi ông A.G Lafley từng được coi là “người hùng cũ” của Tập đoàn, khi trong vòng gần 10 năm (từ năm 2000 đến 2009), trên cương vị chủ tịch kiêm CEO, ông đã làm tăng doanh thu của P&G lên gấp 2 lần (đạt mức gần 80 tỷ USD vào năm 2009).

Cũng trong khoảng thời gian trên, ông đã xây dựng được nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng, như Pampers, Tide, Crest, Olay… bán rất chạy tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2009, khi ông rời chức CEO, có tới 23 sản phẩm của P&G có doanh số ít nhất từ 1 tỷ USD/năm trở lên. Và ông cũng nổi đình đám với vụ mua lại thương hiệu Gillette, có giá “rất khủng” 57 tỷ USD vào năm 2005.

Phần lớn cổ đông P&G cũng như nhà đầu tư chào đón sự trở lại của ông A.G Lafley. Bằng chứng là, ngay lập tức, giá cổ phiếu của P&G tại Sở GDCK New York (Mỹ) tăng tới 4% trong 1 phiên, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2009. Giá cổ phiếu của P&G hiện dao động quanh mốc 80 USD/cổ phiếu.

Một số nhà phân tích cũng nhận xét, việc không ít nhà quản lý doanh nghiệp tài ba, chính trị gia lão luyện, sau khi đã “rửa tay gác kiếm” lại hăng hái xung trận trở lại không phải là hiện tượng hiếm gặp.

Gần đây nhất, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở lại nắm quyền điều hành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Đây là lần thứ hai, ông trở lại với trọng trách này. Năm 2007, ông cũng đã từng là Thủ tướng Nhật Bản. Rồi ông Howard Schultz, 59 tuổi, CEO Starbucks, năm 2008 đã trở lại nắm quyền CEO sau 8 năm vắng bóng.

Ông Charles Elson, Giám đốc Trung tâm John L. Weinberg về quản trị doanh nghiệp (thuộc Đại học Delaware ở Newark) nhận xét: “Các công ty muốn mời lại lãnh đạo cũ là nhân vật mà mọi nhân viên đều biết rõ; được khách hàng, đối tác tin tưởng và quan trọng là có khả năng đem lại lòng tin cho thị trường và ổn định giá cổ phiếu. Ở P&G, ông A.G Lafley là một người như vậy”.

Trong khi đó, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, việc phải mời lại ông già, đã qua thời kỳ đỉnh cao về nắm quyền là thiếu khôn ngoan, thể hiện sự bế tắc trong công tác bồi dưỡng lực lượng lãnh đạo trẻ. 

Ông Jay Lorsch, giáo sư Đại học Harvard cho rằng: “Việc phải vời người cũ trở lại làm việc chứng tỏ Ban lãnh đạo P&G đã phạm phải sai lầm. Đồng thời, cũng có nghĩa Tập đoàn chưa tìm được người thay thế, công việc đào tạo lãnh đạo, đội ngũ kế cận có vấn đề”.

Một số nhà phân tích còn chỉ ra một điểm yếu của Ban lãnh đạo P&G là chuộng hình thức, thiếu thực chất. Ban giám đốc của P&G gồm 12 thành viên, thì có tới 6 CEO thuộc hạng sao, cỡ bự. Cụ thể, đó là James McNerney, CEO Hãng sản xuất máy bay Boeing; bà Meg Whitman, CEO Tập đoàn công nghệ cao Hewlett-Packard (HP); Kenneth Chenault, CEO, Tập đoàn American Express; Terry Lundgren, CEO Macy; Patricia Woertz, CEO Archer Daniels Midland; Maggie Wilderotter, CEO Frontier Communications Corp. Thực ra, các CEO trước hết phải làm tròn chức năng, nhiệm vụ chính của mình ở các doanh nghiệp (nơi được trả lương chính), còn có chân trong Ban giám đốc P&G chủ yếu chỉ là… “làm đẹp đội hình”.

Nguyên nhân khiến ông Bob McDonald phải ra đi cũng không thật rõ ràng. Cả ông lẫn P&G đều không đưa ra ra lý do cụ thể. Kết quả kinh doanh của P&G là khá khả quan. Năm 2012, doanh thu của P&G đạt 83,68 tỷ USD; lợi nhuận thuần là 10,75 tỷ USD. Ông Bob McDonald cũng có tới 33 năm làm việc liên tục cho P&G. Khi lên nắm quyền vào tháng 6/2009 đến nay, giá cổ phiếu của P&G tăng 50% là kết quả tốt, cho dù vẫn thấp hơn so với các đối thủ. Cụ thể, trong cùng thời gian trên, giá cổ phiếu của Unilever tăng hơn 85%; của  Colgate-Palmolive tăng 74%...

Còn tại sao ông A.G Lafley lại dễ dàng chấp nhận quay trở lại lãnh đạo P&G cũng không dễ lý giải. 

Sau khi nghỉ hưu ở P&G, ông đã được một số nhà xuất bản có tiếng ở Mỹ đặt viết sách chia sẻ về những kinh nghiệm kinh doanh, trải nghiệm trên thương trường (với tiền nhuận bút rất cao). Ông cũng làm việc với vai trò tư vấn cao cấp cho Quỹ đầu tư tư nhân Clayton, Dubilier & Rice. Hơn thế nữa, ông đã kịp cưới cả một bà vợ mới. 

Vì vậy, không ít người đặt câu hỏi, ông còn thiếu gì nữa và cần chứng minh điều gì nữa mà phải quay lại ngồi vào “ghế nóng” CEO P&G?