P/E forward 2021 trên 15 lần, thị trường chứng khoán có tính hấp dẫn nhất định

P/E forward 2021 trên 15 lần, thị trường chứng khoán có tính hấp dẫn nhất định

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo tính toán của SSI, P/E trượt 12 tháng gần nhất (P/E trailing) khoảng 17,8 lần, thấp hơn đáng kể so với tháng trước (trên 19 lần) và so với năm 2018 thị trường tạo đỉnh ở mốc 1.200 điểm thì P/E cũng ở mức cao nhất là 22 lần. Trong khi đó, nếu tính theo P/E forward dự báo cho cả năm 2021 là trên 15 lần.

Với phân tích trên, chia sẻ tại chương trình Tư vấn Đầu tư diễn ra 11h30 trưa nay (14/7), ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Chuyên gia Chiến lược Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đã đánh giá thị trường chứng khoán vẫn có tính hấp dẫn nhất định.

Xét về định giá P/E thị trường, thường được dùng để ước tính đắt rẻ của cổ phiếu, thị trường, cũng hay được dùng để định giá cổ phiếu. Nếu nói về đắt rẻ, so sánh P/E trong quá khứ hoặc với các quốc gia có chung đặc điểm kinh tế (như trong cùng khu vực châu Á).

Thị trường đang vận động tương đối thận trọng trước mức giảm trên 10%, nếu nhìn cả cụm nến trên đồ thị kỹ thuật trong 3 phiên gần đây thì chỉ số chưa về vùng thấp nhất mà VN-Index ghi nhận trong phiên trước đó.

Thanh khoản duy trì thấp trong 1 tháng qua cho thấy, bên mua rất thận trọng - rất dễ hiểu sau mỗi lần thị trường biến động mạnh, giống như diễn biến thị trường tháng 8/2020 và tháng 1/2021. Còn bên bán cũng không đẩy hàng bán mạnh ra nữa - đây có thể xem là một điểm tích cực.

Theo ông Tâm, dù thị trường đang có sự thận trọng nhất định vì sau khoảng thời gian tăng điểm tốt thì áp lực chốt lời cũng đang rất mạnh trong ngắn hạn, nhưng thị trường vẫn sẽ tìm được điểm cân bằng.

"Khi chúng ta kiểm soát được dịch bệnh và có thêm nhiều câu chuyện hỗ trợ cho cổ phiếu như tăng vốn không chỉ ở nhóm ngân hàng, mà còn ở nhóm bất động sản, cũng như các ngành như chứng khoán; hay các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như duy trì mặt bằng lãi suất thấp; các FTA đã ký hết với các nước lớn có thể hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu - là những yếu tố tích cực có thể kỳ vọng cho thị trường nửa cuối năm", ông Tâm nhận định.

Tuy nhiên, bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng lưu ý, P/E forward tổng hòa của nhiều ngành, dự phóng lợi nhuận cho cả năm 2021, tức đã phản ánh cho cả 2 quý tới. Chẳng hạn với ngành ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index, nếu loại bỏ phần đóng góp của ngành ngân hàng, P/E thị trường phần còn lại ở mức cao hơn nhiều, khoảng 18 lần.

Nhìn về các năm trước, P/E quá khứ thường dao động 14 - 15 lần, trong 3 năm gần đây có sự phát triển về cả chất lượng và số lượng “hàng hóa” trên thị trường, thì P/E cao nhất có thể đạt mức gần 22 lần như đầu năm 2018. Do đó theo bà Phương, P/E 18 lần là chưa cao nhưng dư địa tăng trưởng từ mức P/E hiện tại thì không quá nhiều.

Rủi ro thị trường mà nhà đầu tư cần nhìn nhận lúc này là vấn đề dịch bệnh bùng phát lần 4 nghiêm trọng hơn, và phải thực hiện giãn cách ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh. Bà Phương cho rằng đây là yếu tố cần lưu tâm dù vẫn rất tin tưởng vào khả năng kiểm soát và ứng phó với dịch bệnh của Chính phủ.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II cũng đã phản ánh phần nào vào giá, nên cách nhìn của nhà đầu tư hiện nay là quý III - IV có bị ảnh hưởng bởi dịch hay không.

Đặc biệt, bà Phương nhấn mạnh, điều quan trọng là phải làm sao giữ cho các Khu công nghiệp hoạt động suôn sẻ, vì sắp tới mùa xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU và cũng là mùa tiêu dùng tăng cao. Cần đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu, qua đó sẽ nâng đỡ nền kinh tế.

Cũng trong chương trình, các chuyên gia đã chia sẻ về các nhóm cổ phiếu đang rất được quan tâm giai đoạn này là “bank, chứng, thép” vì đây là các nhóm sụt giảm mạnh nhất trong vài tuần qua.

Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, hiện có vốn hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất 34% trong VN-Index và có mức độ ảnh hưởng lớn đến thị trường, theo bà Phương, nửa đầu năm diễn biến cổ phiếu nhóm này tốt - phản ánh cơ cấu hoạt động thay đổi tích cực đáp ứng được cả trong dịch bệnh, kết quả kinh doanh có chuyển biến tốt, tăng trưởng trên 50 - 60%.

Nhưng mua cổ phiếu là phản ánh kỳ vọng tương lai, triển vọng của ngân hàng. Nếu nhìn nửa cuối năm 2021, bức tranh ngân hàng khác đi đôi chút, không còn thấy các con số tăng trưởng như nửa đầu năm nữa, thì giá cổ phiếu cũng dần được phản ánh.

Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, ông Nguyễn Chí Trung - Phó giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng cá nhân - CTCP Chứng khoán SSI khẳng định, năm 2021, chứng khoán tiếp tục hưởng lợi.

Thứ nhất về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt gần 7.500 tỷ đồng/phiên, các CTCK xây dựng kế hoạch cho năm 2021 ước tính 11.000 - 12.000 tỷ đồng đã phải điều chỉnh lên 16.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng thực tế là trung bình đạt trên 21.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có nhiều phiên trên 30.000 tỷ đồng - mức thanh khoản này gần gấp 3 lần so với cả năm 2020. Diễn biến này giúp nguồn thu phí môi giới sẽ tốt – là mảng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu CTCK.

Chưa kể về tự doanh, cũng sẽ như nhà đầu tư, có lãi có lỗ, nhưng nếu nhìn VN-Index cuối năm 2020 đến nay tăng bình quân 25%, còn nếu tính từ mức đáy trong nửa đầu năm 2021 thì hiện VN-Index đã tăng 40%, thì tự doanh các CTCK dự báo cũng sẽ tích cực. Ngoài ra, các CTCK còn có các dịch vụ khác mang lại nguồn thu ổn định.

Theo đó, ông Trung cho rằng, tùy vào từng khẩu vị của nhà đầu tư, ngắn hạn thì có thể mua thấp bán cao rồi theo xu thế thị trường, nhưng khi thị trường hồi phục thì hoàn toàn có thể xem xét cổ phiếu nhóm chứng khoán.

Về cổ phiếu ngành thép, thường được duy trì P/E thấp nếu so với các nhóm ngành tăng trưởng như tài chính, bán lẻ… vì thép là nhóm có chu kỳ, sau khoảng thời gian tăng trưởng tốt thì các năm sau đó thường giảm, nên P/E ngành thép (hiện 10 lần) ít tiếp cận với PE thị trường (quanh 17 lần).

Theo đó, chất xúc tác rất quan trọng cho giá cổ phiếu ngành thép. Giá thép tăng từ 2020 đến nay, giúp nhà đầu tư nhìn nhận kết quả kinh doanh ngành này sẽ tốt trong nửa đầu năm, giá cổ phiếu vì đó cũng đi theo kỳ vọng này. Đến hiện tại, mục tiêu lúc mua đã được đáp ứng, thì hành động chốt lời trong ngắn hạn là hoàn toàn bình thường trên TTCK.

Vậy với các nhà đầu tư thua lỗ, nên làm gì? Ông Tâm cho rằng, cần quay lại xem chiến lược đầu tư là gì, ngắn hạn hay dài hạn, vì sao mua và giá mục tiêu là bao nhiêu, diễn biến thực tế nếu khác với dự báo thì cần làm gì. Nhìn vào những yếu tốt đó, nhà đầu tư sẽ có quyết định!

Tin bài liên quan