Khalid al-Falih, Bộ trưởng Dầu mỏ của Ả rập Xê út và Alexander Novak, Bộ trưởng Dầu mỏ Nga đã có cuộc thảo luận nhằm chuẩn bị cho việc gia tăng sản lượng trở lại. Nếu động thái này diễn ra, đây sẽ là lần nâng sản lượng đầu tiên sau 17 tháng cắt giảm sản lượng dầu sản xuất do tình trạng dư cung kéo giá dầu tụt dốc. Trong tháng 5, giá dầu đã đạt 80,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh, thị trường lo ngại nguồn cung dầu bị ảnh hưởng khi Mỹ đe dọa áp đặt trở lại các lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, và ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại đất nước này.
Thông điệp từ Bộ Dầu mỏ Ả rập Xê út cho biết, một số khách hàng lớn, trong đó có Trung Quốc đã lên tiếng hy vọng nhà xuất khẩu dầu mỏ này có thể “có hành động mới nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ và ổn định”. Nhằm chia sẻ mối lo với khách hàng, OPEC và các đồng minh có thể nâng sản lượng lên trong nửa cuối năm, tuy nhiên sẽ có lộ trình từng bước.
Bên cạnh đó, các thành viên thị trường nhận định, động thái này là lời “đáp trả” đối với nhận xét trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, ngày 20/8, ông Trump đăng dòng tweet với nội dung cho rằng, hành động của OPEC nhằm kéo giá dầu lên cao là “giả tạo”, đồng thời phải dựa vào Mỹ để có thể đảm bảo thị trường được cung cấp dầu đầy đủ.
Về phát ngôn này, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, việc Mỹ “tạo sức ép” lên OPEC vì giá dầu lên cao hiện tại là bất thường, bởi trước đó, khi giá dầu thấp, một số quan chức và tổ chức dầu mỏ của Mỹ đã lên tiếng đề nghị tổ chức này giúp đỡ.
Bob McNally, người sáng lập hãng tư vấn Rapidan Energy Group nhận xét, “dòng tweet của ông Trump đã đánh động tới Ả rập Xê út. Dù giá dầu tăng gần 20% kể từ năm ngoái tới nay giúp OPEC và Nga hưởng lợi, nhưng sự tự nguyện cắt giảm sản lượng của họ đã mở cửa cho các nhà sản xuất khác, như nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ, từ đó bị sụt giảm thị phần”.
Từ đầu năm 2018 tới nay, OPEC cùng các đồng minh, đứng đầu là Nga đã đồng ý kiềm chế sản lượng đầu ra ở mức 1,8 triệu thùng/ngày nhằm giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu. Thậm chí, trong tháng 4, các thành viên tham gia thỏa thuận này đã giảm nhiều hơn 52% so với yêu cầu, chủ yếu bởi gián đoạn nguồn cung từ Venezuela.
Hiện tại, ý tưởng nâng sản lượng mới được thảo luận giữa Ả rập Xê út và Nga. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong phiên họp giữa OPEC và các đồng minh tham gia cắt giảm sản lượng diễn ra vào 22 - 23/6 tới.
Ngay sau thông tin được Bộ trưởng Dầu mỏ Ả rập Xê út đưa ra, giá dầu đã giảm 2%, giao dịch quanh mức 77 USD/thùng. Tuy nhiên, các thành viên trên thị trường vẫn giữ cái nhìn tích cực về diễn biến giá dầu trong thời gian tới.
Theo đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng. Chính phủ Mỹ ước tính, cần khoảng 1,34 triệu thùng dầu/ngày trong năm tới tại các kho dự trữ để đảm bảo an toàn năng lượng, con số này chỉ thấp hơn mức 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2008, khi giá dầu tăng lên gần 150 USD/thùng.
Bên cạnh đó, ngay chính OPEC đã thừa nhận, chỉ một vài thành viên của tổ chức này hiện có đủ khả năng nâng sản lượng sản xuất lên mức trước khi tiến hành thỏa thuận giảm sản lượng. Thậm chí, các thành viên như Iran và Venezuela sẽ bị gián đoạn trong việc cung cấp dầu thô ra thị trường.
Đây là các lý do, không ít chuyên gia nhận định giá dầu sẽ tiếp tục leo dốc trong thời gian tới. Bob Parker, thành viên hội đồng đầu tư tại Quilvest Wealth Management cho rằng, nếu Venezuela chạm tới ngưỡng “sụp đổ”, giá dầu có thể lên mức 100 USD/thùng.