Cuộc khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường Infocus Mekong Research vừa thực hiện với hơn 7.000 người tiêu dùng tại Việt Nam cho thấy, chưa đến 20% người được hỏi đánh giá tích cực về nền kinh tế năm 2020, trong khi có tới 62% đánh giá kém lạc quan.
Các ngành nghề được cho là hưởng lợi trước tác động của dịch Covid-19 là mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, thực phẩm đóng hộp, chăm sóc nhà cửa… khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn ở nơi công cộng.
Thực tế, phát triển các kênh bán hàng online đang được nhiều doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng thực hiện.
Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cho biết, lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan, người dân hạn chế đi ra ngoài mua sắm, dẫn đến nhu cầu mua hàng online và giao hàng tận nhà tăng cao. Nắm bắt nhu cầu này, FRT đã tập trung đẩy mạnh hoạt động kinh doanh online.
Theo FRT, sản phẩm bán mạnh trong mùa dịch bệnh này là các thiết bị cá nhân. Khách hàng có nhu cầu cao hơn đối với các sản phẩm điện thoại, laptop và máy tính bảng nhằm phục vụ cho việc giải trí và học tập tại nhà.
Năm 2019, doanh thu bán hàng online của FRT đạt 3.899 tỷ đồng, tăng trưởng 60% và chiếm tỷ trọng 23% tổng doanh thu. Năm 2020, dự báo doanh thu mảng online của FRT tiếp tục tăng trưởng ở mức cao.
Tại Công ty cổ phần Vua Nệm, lượng khách đến hệ thống cửa hàng sụt giảm mạnh kể từ sau Tết đến nay, doanh số bán hàng vì thế cũng lao dốc.
Ông Hoàng Tuấn Anh, CEO Vua Nệm cho hay, số lượng khách đến tham quan, mua sắm ở cửa hàng giảm 17% so với mức trung bình của cùng kỳ năm trước.
Ðẩy mạnh bán hàng online là hướng đi Vua Nệm đang triển khai để tăng doanh số. Theo đó, số cuộc gọi đến từ kênh này tăng 28,8% so với cùng kỳ, các chương trình khuyến mại được triển khai ở cả hai kênh online và offline.
Lãnh đạo Công ty cho biết, các chương trình khuyến mãi không nhằm mục đích kích cầu ngắn hạn, mà được phân bổ theo chiến lược tổng thể, dài hạn để tạo tiền đề bứt phá sau khi dịch bệnh qua đi.
Năm 2020, Vua Nệm đặt kế hoạch doanh thu tăng trưởng 44%, trong đó kênh online tăng 113%.
Với ngành giáo dục, sau khi Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành quyết định cho nghỉ học tạm thời trên toàn quốc để phòng tránh dịch bệnh Corona, các doanh nghiệp lĩnh vực này cũng đang trong tình cảnh lao đao.
Ðơn cử, Hàng loạt trung tâm tiếng Anh như ILA, Apollo, Hội đồng Anh, Apax, YOLA… phải đóng cửa, trong khi chi phí mặt bằng, nhân viên, lãi suất… vẫn phải chi trả định kỳ.
Nếu tình hình này kéo dài, gánh nặng tài chính sẽ càng gia tăng đối với những doanh nghiệp này.
Hệ thống trung tâm tiếng anh YOLA cho biết, từ đầu tháng 2 đến nay, ước tính thu nhập của giáo viên YOLA giảm 50% vì lịch giảng dạy bị hủy. Nếu tiếp tục giữ mô hình giảng dạy truyền thống doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn.
Ðể xoay chuyển tình thế, YOLA đã triển khai lớp học trực tuyến YOLA Smart Learning. Bà Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập YOLA chia sẻ, đây không phải là giải pháp tình thế, mà được lên kế hoạch từ lâu.
“Hơn 3.000 học viên được học trên nền tảng trực tuyến sau 24 giờ triển khai YOLA Smart Learning và sau hơn 2 tuần, đã có gần 6.000 học viên được trải nghiệm và tham gia học tập trên nền tảng này. Hiện tại, đây là cách mà YOLA duy trì việc giảng dạy trong mùa dịch bệnh”, đại diện trung tâm này chia sẻ.
Nhiều kịch bản được các doanh nghiệp đưa ra để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, trong đó đẩy mạnh doanh số đa kênh, đặc biệt là kênh online, tiết giảm mạnh các loại chi phí… để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.