TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Dịch bệnh Covid 19 diễn biến hết sức phức tạp nhưng Việt Nam đến thời điểm này vẫn kiểm soát khá tốt.
Theo tôi, lúc này, về chính sách tiền tệ, không nên bàn về nới lỏng hay bơm tiền, bởi doanh nghiệp khó khăn không bán được hàng, không sản xuất được thì giảm lãi suất họ cũng không vay.
Trong thời điểm này, nên giao cho các ngân hàng thương mại cổ phần tùy cơ ứng biến, chủ động hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng để họ vượt qua khó khăn.
Đương nhiên, để ngân hàng thương mại làm được như vậy, Ngân hàng nhà nước phải ban hành cơ chế khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ để ngân hàng có căn cứ triển khai.
Sau đó, tùy theo tình hình, có thể tới giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3/2020 có thể xem xét lại, tùy tình hình dịch bệnh.
Theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ suy giảm khoảng 0,5 đến1%, kinh tế Việt Nam giảm khoảng 0,4 đến 0,6%. Thế nhưng, Chính phủ không điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng. Vậy chúng ta có gì để bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng này không? Theo tôi, dư địa tăng trưởng vẫn còn.
Thứ nhất, đầu tư công còn rất nhiều dự án nhưng giải ngân còn chậm. Vì vậy, thời gian tới cần quyết liệt giải ngân đầu tư công hơn nữa.
Cần phải thống kê được những dự án vì sao chậm giải ngân để có giải pháp tháo gỡ quyết liệt.
Thứ hai, phải tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nỗ lực khai thác nhanh nhất hiệu quả từ các Hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu ròng, đơn cử như EVFTA, CPTPP…
Thứ ba, Bộ Tài chính phải có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về nợ đọng thuế, giảm thuế. Trong thời điểm hiện nay, Chính phủ có thể trình Quốc hội phương án tăng bội chi ngân sách, tăng nợ công lên.
Tóm lại, theo tôi, hiện tại, chính sách tiền tệ nên giữ ổn định. Nếu chúng ta quyết liệt, sáng suốt, bình tĩnh lưa chọn các giải pháp để bù đắp cho sự suy giảm thì Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua trong năm nay.