Với câu hỏi của các nhà đầu tư về những mối nguy mà FPT có thể phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay, ban chủ tọa FPT được chủ tịch Trương Gia Bình yêu cầu tất cả đều phải trả lời câu hỏi này.
Theo chủ tịch Trương Gia Bình, mối nguy lớn nhất là có thể xảy ra đơn hàng dồn dập quy mô lớn, khi chuyển đổi số và chính phủ điện tử được triển khai quyết liệt ở 63 tỉnh thành.
“Thủ tướng Phạm Minh Chính hiểu rõ về sức mạnh của chuyển đổi số và đã cho triển khai quyết liệt tại Quảng Ninh. Thủ tướng từng nói với tôi 'muốn giảm biên chế phải sử dụng chính phủ điện tử'. Khi có nhiều đơn hàng, thực hiện nhiều dự án dồn dập một lúc, không cẩn thận, có thể ảnh hưởng tới chất lượng, giảm uy tín của doanh nghiệp”.
Ông Bình nói thêm, trước kia trong lĩnh vực chuyển đổi số, FPT chỉ có những hợp đồng vài trăm nghìn USD, kỳ vọng có ngày lên được các hợp đồng giá trị 5-10 triệu USD, khi Covid ập đến, bất ngờ Tập đoàn có những hợp đồng nhảy lên 150 triệu USD. Trước mỗi hợp đồng chỉ 50 người làm, giờ một hợp đồng cần 1.500 người làm, yêu cầu lãnh đạo dự án phải rất có kinh nghiệm.
“Trong lòng tôi lo lắm nhưng rồi anh em cũng vượt qua. Ngành của chúng tôi là phải luôn đồng hành với khách hàng, không bao giờ được nghỉ, được làm khách hàng buồn lòng. Nó kinh hoàng lắm. Chả có ngành nào, chủ tịch, tổng giám đốc tối ngày phải đi bán hàng. Nghề của chúng tôi là liên tục phải thuyết phục người ta tin mình, khiến người ta tin mình khó, giữ được niềm tin càng khó hơn”.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT và ông Nguyễn Thế Phương, Phó tổng giám đốc FPT đều chia sẻ mối nguy lớn nhất của FPT là thiếu nhân lực. Riêng năm 2021, FPT cần tuyển dụng tới 7.000 người.
Ông Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT thì e ngại rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu lớn về chuyển đổi số nhưng nguồn lực tài chính hạn hẹp. Nên nếu không tỉnh táo, FPT có thể lâm vào tình trạng, có những hợp đồng đang triển khai thì doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, rất dễ dở dang.
Một nội dung khác được thảo luận khá nóng là cổ tức. Năm 2020, công ty trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, trong đó 10% đã được tạm ứng trong năm 2020 và 10% còn lại sẽ được chi sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt; 15% bằng cổ phiếu (20 cổ phiếu cũ được nhận 3 cổ phiếu mới), thời gian trả vào quý II. Bên cạnh đó, FPT dự kiến trả cổ tức bằng tiền năm 2021 với tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cp).
Các cổ đông FPT đề xuất HĐQT Tập đoàn tăng mức cổ tức. Một cổ đông đề xuất “FPT dự kiến trả cổ tức là 2.000 đồng/cp, tương đương số tiền 1.600 tỷ đồng, trong khi trên bảng cân đối kế toán có 4.700 tỷ đồng tiền mặt, 2.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng”
Ông Nguyễn Thế Phương trả lời, chính sách này duy trì nhiều năm qua. Công ty giữ lại khoản tiền từ 50-60% lợi nhuận để tái đầu tư. Nhu cầu đầu tư trong năm 2021 khoảng 3.400 tỷ đồng. FPT có nhiều đơn vị thành viên, có đơn vị có dòng tiền dồi dào trong khi có đơn vị vay ngân hàng tài trợ cho vốn lưu động. Chính vì vậy nên khi hợp nhất, FPT có lượng tiền lớn nhưng cũng vay ngân hàng lớn. Tập đoàn hiện vay ngân hàng khoảng 12.000 tỷ đồng nên số dư tiền còn khoảng 5.000 tỷ đồng. Với các kế hoạch đầu tư và dự định M&A thì đây là số tiền không lớn.
Cổ đông FPT đã thông qua tất cả các tờ trình. Trong đó, FPT đặt kế hoạch doanh thu tăng 16,4% so với thực hiện 2020 lên 34.720 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 18% lên 6.210 tỷ đồng.
Riêng quý I, theo chia sẻ của ông Phương, FPT dự kiến doanh thu tăng 14% ( đạt 7.575 tỷ đồng) và lợi nhuận tăng 22% ( đạt 1.400 tỷ đồng).
Tại đại hội này, tất cả các cổ đông đều được yêu cầu bỏ phiếu trực tuyến nên ngay khi kết thúc phần thảo luận, FPT đã công bố kết quả bầu cử và đại hội kết thúc sớm hơn 1 giờ đồng hồ sơ với các lần đại hội trước.