Ảnh AFP

Ảnh AFP

Ông Trump lại làm nhà đầu tư phấn khích

(ĐTCK) Việc Thổng thống Mỹ Donald Trump thông báo có cuộc điện đàm tốt đẹp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và xác nhận 2 ông sẽ gặp nhau tại Hội nghị G20 cuối tháng này giúp giới đầu tư toàn cầu phấn khích trong phiên thứ Ba (18/6).

Hôm thứ Ba, ông Trump thông báo trên Twitter rằng ông vừa có "cuộc điện đàm rất tốt đẹp" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

"Chúng tôi sẽ tham gia một cuộc họp mở rộng vào tuần tới tại hội nghị G20 ở Nhật Bản", ông Trump viết. "Các nhóm riêng của chúng tôi sẽ tổ chức trao đổi trước cuộc gặp".

Thông báo của ông Trump thắp lại hy vọng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ nối lại các cuộc đàm phán thương mại vốn đang bế tắc để chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 1 năm qua.

Ngoài ra, niềm tin của giới đầu tư còn được đặt cược vào kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất thời gian tới. Hiện Fed đang có cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc vào chiều thứ Tư (19/6) giờ địa phương.

Sự phấn khích trên giúp phố Wall tăng vọt trong phiên thứ Ba lên gần mức cao lịch sử.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Dow Jones tăng 353,01 điểm (+1,35%), lên 26.465,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,08 điểm (+0,97%), lên 2.917,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 108,86 điểm (+1,39%), lên 7.953,88 điểm.

Tương tự, phát biểu ôn hòa về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, cùng kỳ vọng Fed giảm lãi suất và Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 vào cuối tháng này để thỏa thuận về vấn đề thương mại giúp chứng khoán châu Âu tăng mạnh lên mức cao nhất 6 tuần trong phiên thứ Ba.

Cụ thể, phát biểu hôm Chủ nhật, Chủ tịch ECB cho biết, cơ quan này có thể xem xét giảm lãi suất hoặc mở rộng chương trình mua trái phiếu nếu lạm phát không quay trở lại mức mục tiêu. Phát biểu của ông Draghi làm suy yếu đồng euro, hạ lãi suất trái phiếu châu Âu xuống mức thấp mới và giúp thị trường chứng khoán leo thang trên toàn cầu.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 85,73 điểm (+1,17%), lên 7.443,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 245,93 điểm (+2,03), lên 12.331,75 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 118,79 điểm (+2,20%), lên 5.509,73 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm xuống mức thấp nhất gần 1 tuần khi nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed, thì chứng khoán Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng nhẹ. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông vọt tăng mạnh nhờ sự hỗ trợ dòng tiền từ đại lục khi các nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục thông qua chương trình kết nối Thượng Hải, Thâm Quyến, Hồng Kông đã mua ròng 433,01 triệu USD trong phiên 18/6 và là phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp.

Kết thúc phiên 18/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 151,29 điểm (-0,72%), xuống 20.972,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,54 điểm (+0,08%), lên 2.890,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 271,61 điểm (+1,00%), lên 27.498,77 điểm.

Tương tự, kỳ vọng vào việc Fed giảm lãi suất, cũng như trước đó Chủ tịch giúp giá vàng cũng bật tăng mạnh trong phiên thứ Ba. Dù mất mức cao nhất ngày khi chốt phiên, nhưng giá vàng vẫn ở mức cao nhất 4 tháng.

Kết thúc phiên 18/6, giá vàng giao ngay tăng 7 USD (+0,52%), lên 1.345,9 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 7,8 USD (+0,58%), lên 1.350,7 USD/ounce.

Cũng như chứng khoán và giá vàng, kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung được nối lại, cùng căng thẳng ở Trung Đông giúp giá vàng hồi phục mạnh trở lại trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 18/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,97 USD (+3,86%), lên 53,90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,20 USD (+1,97%), lên 62,14 USD/thùng.

Tin bài liên quan