Trong kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an về giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ông Trầm Bê thừa nhận hành vi đã nêu trong quyết định khởi tố.
Ông Trầm Bê thừa nhận là đã bàn bạc trao đổi với Phạm Công Danh và Phan Huy Khang - nguyên tổng giám đốc Sacombank, sau đó chỉ đạo Khang cho Danh vay hàng ngàn tỉ đồng.
Qua mặt hội đồng quản trị ngân hàng
Cụ thể, khoảng giữa tháng 4-2013 Phạm Công Danh đến Sacombank gặp ông Trầm Bê và đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỉ đồng và được ông Trầm Bê đồng ý.
Tuy nhiên, ông Trầm Bê yêu cầu phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó Trầm Bê dẫn Danh xuống phòng làm việc của Phan Huy Khang.
Tại đây, Trầm Bê, Phan Huy Khang, Phạm Công Danh đã thống nhất việc Sacombank sẽ cho Phạm Công Danh vay từ 1.300 tỉ đồng đến tối đa 1.800 tỉ đồng nhưng phải có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tiền gửi.
Sau đó vài ngày, Phạm Công Danh đến gặp Khang và Khang báo cáo về việc thống nhất cho Danh vay 1.800 tỉ đồng dùng tiền gửi từ VNCB để làm tài sản bảo đảm.
Lý do Sacombank chỉ cho Danh vay 1.800 tỉ đồng vì Trầm Bê với chức danh là Chủ tịch Hội đồng tín dụng chỉ được cấp phép tối đa là 1.800 tỉ. Nếu cho vay hơn số này thì phải trình lên HĐQT quyết định sẽ rất mất thời gian không thể cho vay ngay được.
Hơn nữa, nếu trình lên HĐQT sẽ có thể có nhiều ý kiến khác nhau đối với khoản vay này vì là khoản vay lớn.
Sau đó ông Trầm Bê giao cho Khang tổ chức thực hiện việc bàn bạc cho Danh vay việc bàn bạc này, chỉ có Trầm Bê, Phạm Công Danh và Phan Huy Khang, ngoài ra không ai còn ai khác.
Trầm Bê cho rằng, Phạm Công Danh khi đó là chủ tịch HĐQT của VNCB nên không được phép vay tiền tại ngân hàng này nhưng Danh có thể thế chấp tiền của VNCB để vay ở Sacombank nên đã đồng ý.
Do vậy, khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty (do Phạm Công Danh sở hữu) mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn duyệt cho các công ty này vay.
Nhiều cán bộ ngân hàng sai phạm không bị xử lý hình sự
Sau khi thống nhất về mặt chủ trương và quyết định của chủ tịch Hội đồng tín dụng Trầm Bê, Tổng giám đốc Phan Huy Khang, Phạm Công Danh đưa Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn đến gặp Khang giới thiệu là những người sẽ thực hiện việc vay tiền.
Khang đã mời Phan Đình Tuệ (thành viên HĐQT, phó Tổng giám đốc Sacombank) đến phòng họp.
Khang thông báo chủ trương của Trầm Bê và giới thiệu Phan Thành Mai là đại diện cho VNCB, Khương, Viễn là đại diện các công ty vay vốn và giao cho Phan Đình Tuệ thực hiện việc cho vay.
Khi cấp dưới trình hồ sơ về các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Khang vẫn phê duyệt.
Sau khi nhận sự chỉ đạo của Trầm Bê và Phan Huy Khang, phó tổng giám đốc phụ trách phía Nam là ông Phan Đình Tuệ đã chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện việc thẩm định hồ sơ và giải ngân.
Tuệ gọi cho Bùi Văn Thành (giám đốc chi nhánh Hưng Đạo) và Trần Thị Hải Triều (giám đốc chi nhánh quận 8) đến và giao cho chi nhánh Hưng Đạo cho vay 600 tỉ; chi nhánh quận 8 cho 4 công ty vay 1.200 tỉ.
Ông Tuệ cũng là người ký phê duyệt các tờ trình cấp tín dụng của hai chi nhánh vào ngày 24 và 25-4-2013.
Tuy nhiên, hồ sơ của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn vốn trả nợ... nhưng vẫn được xem xét quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ điều kiện cho vay theo quy định.
Dẫu vậy, ngoại trừ ông Trầm Bê và Phan Huy Khang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ông Phan Đình Tuệ và 12 người khác là cán bộ, nhân viên của Sacombank tham gia vào việc cho vay trên được cơ quan điều tra xác định "không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự".
Theo cơ quan điều tra, những người trên có hành vi sai phạm trong việc cho vay nhưng thực hiện theo chỉ đạo của Phan Huy Khang, không trực tiếp gặp gỡ trao đổi bàn bạc với Trầm Bê và Phạm Công Danh.
Họ cũng không biết các công ty vay tiền là của Danh. Sacombank đã thu đủ gốc và lãi không bị thiệt hại, những người này cũng không hưởng lợi nên không thể đủ căn cứ xác định những người này đồng phạm với Danh và Trầm Bê, Phan Huy Khang.