Ông Tập kêu gọi trật tự thế giới công bằng hơn khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng sâu sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (20/4), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi từ chối các cấu trúc quyền lực bá quyền trong quản trị toàn cầu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt vấn đề.
Ông Tập kêu gọi trật tự thế giới công bằng hơn khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng sâu sắc

Phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bắc Ngao năm 2021, ông Tập chỉ trích nỗ lực của một số quốc gia nhằm "xây dựng các rào cản" và "tách rời", mà theo ông, sẽ gây hại cho những quốc gia khác và không mang lại lợi ích cho ai.

Từ lâu, Trung Quốc đã kêu gọi cải cách hệ thống quản trị toàn cầu để phản ánh tốt hơn nhiều quan điểm và giá trị đa dạng hơn từ cộng đồng quốc tế, thay vì của một vài quốc gia lớn.

Trung Quốc cũng đã nhiều lần xung đột với các bên liên quan lớn nhất trong quản trị thế giới, đặc biệt là Mỹ về một loạt vấn đề, từ nhân quyền đến ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc đối với các quốc gia khác.

"Thế giới muốn công lý, không phải bá quyền", ông Tập nói trong bài phát biểu tại diễn đàn.

“Một quốc gia lớn nên trông giống như một quốc gia lớn bằng cách cho thấy rằng họ đang gánh vác nhiều trách nhiệm hơn”, ông nói.

Trong khi ông Tập không nêu đích danh quốc gia nào trong nhận xét của mình, các quan chức Trung Quốc trong thời gian gần đây đã nhắc đến "quyền bá chủ" của Mỹ trong những lời chỉ trích công khai về dự báo sức mạnh toàn cầu của Washington trong lĩnh vực thương mại và địa chính trị.

Hôm thứ Sáu (16/4), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Trung Quốc là chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản cho biết họ "chia sẻ những quan ngại nghiêm trọng" về tình hình nhân quyền ở Hồng Kông và khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Khi thể hiện sự hợp tác kinh tế nhằm loại trừ Trung Quốc, Tổng thống Biden cho biết, Nhật Bản và Mỹ sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, gen và chuỗi cung ứng bán dẫn.

Khi chính quyền Biden kêu gọi các đồng minh của mình cứng rắn lập trường đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ với các đối tác và các nước láng giềng phụ thuộc kinh tế ở Đông Nam Á.

Các diễn giả Trung Quốc tại diễn đàn Bắc Ngao cũng khẳng định cam kết của Bắc Kinh đối với thương mại tự do toàn cầu.

Các hoạt động thương mại của Trung Quốc là trọng tâm của cuộc chiến thuế quan căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington dưới thời chính quyền Trump khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc có chính sách đối xử không công bằng, mang lại cho các công ty Trung Quốc lợi thế ở nước ngoài, trong khi buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.

“Kinh nghiệm lớn nhất mà Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 20 năm trước là người Trung Quốc chúng ta không sợ cạnh tranh”, Long Yongtu, cựu Trưởng đoàn đàm phán về việc gia nhập WTO của Trung Quốc năm 2001 nói tại diễn đàn hôm thứ Hai (19/4).

Tuy nhiên, bất chấp cuộc đối đầu dai dẳng giữa chính quyền Mỹ và Trung Quốc, cả hai bên đã tìm lại được tiếng nói chung trong việc chống lại biến đổi khí hậu sau khi các cuộc đàm phán song phương về chống phát thải khí nhà kính, vốn thất bại trong thời chính quyền Trump.

Tuần trước, đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry đã bay đến Thượng Hải để gặp quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên tới Trung Quốc của một quan chức chính quyền Biden.

Theo đó, cả hai đã nhất trí về các hành động cụ thể "trong những năm 2020" để giảm lượng khí thải.

Tin bài liên quan