Ông Nguyễn Thành Phong: 'TP.HCM chủ quan sẽ gục ngã như Italy'

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từng xã, phường, quận, huyện có kịch bản ứng phó dịch Covid-19, để không mất kiểm soát như Italy.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (phải) phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Trung tâm báo chí TP HCM.

Họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 chiều 19/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn bài viết Bệnh viện Italy gục ngã trước Covid-19 để đưa ra những kinh nghiệm và bài học trong chống dịch bệnh ở thành phố.

Ông nói, bệnh viện Papa Giovanni với 950 giường bệnh rơi vào khủng hoảng khi hơn 400 giường phải sử dụng cho bệnh nhân nhiễm nCoV, 3 trong 4 lãnh đạo cao cấp nhất của bệnh viện đã đổ bệnh.

Đội xe cấp cứu của bệnh viện cũng quá tải, người dân bị bệnh khác phải chờ gần một giờ vì các đường dây đều nghẽn.

Nhân viên cứu thương không được đào tạo để ứng phó với Covid-19 nên nhiều người đã nhiễm bệnh từ xe của họ...

"Chuyện ở Italy như một lời cảnh báo, các ngành các cấp không được phép chủ quan. Ngoài kế hoạch của thành phố khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, từng quận huyện, phường xã phải có kịch bản ứng phó", ông Phong nói và cho rằng "nếu bị động thành phố sẽ gục ngã như câu chuyện ở Italy".

Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, hiện mỗi ngày có 1.300-1700 người nhập cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, trong 10 ngày tới có khoảng 17.000 người, nên phải chuẩn bị giường cho khu tập trung. "Nếu không chúng ta sẽ mất kiểm soát, lúng túng ngay.

Phải lên phương án chống dịch cụ thể cho tình huống này: tổng số giường cách ly, tổng số người về và các dịch vụ hậu cần kèm theo... để cân đối chặt chẽ", ông Phong nói.

Ngoài đội ngũ y bác sĩ hơn 19.000 người đang làm việc, ông Phong yêu cầu ngành y tế kêu gọi, huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu tham gia chống dịch. "Việc này không thừa, phải làm chu đáo ngay từ đầu để không lúng túng", ông Phong nói.

Sở Công thương thành phố được giao làm việc với các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm, bảo đảm cho các khu cách ly, dự phòng nguồn lương thực chuẩn bị trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ 30 xe kèm tài xế để vận chuyển người từ sân bay đi cách ly.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hai tuần sắp tới sẽ có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam.

Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không ra ngoài. "Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng", ông Bỉnh nói.

Về kế hoạch cách ly, ông Bỉnh cho biết TP.HCM có thể đảm bảo gần 24.000 giường, trong đó quận huyện gần 800 giường. Các khu cách ly tập trung đã có ở cửa ngõ thành phố.

Ngoài ra, thành phố còn tính đến phương án chuyển tất cả bệnh nhân mắc bệnh khác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (bệnh viện tuyến cuối nằm ở nội đô) đi nơi khác điều trị, dành toàn bộ bệnh viện này chữa trị bệnh nhân nhiễm nCoV.

"Tuy nhiên, phương án này là sau cùng vì cách ly, điều trị trong nội ô là trường hợp bất khả kháng", ông Bỉnh nói và cho biết việc cách ly thu phí cũng chỉ chọn những khách sạn ở ngoại ô trước như Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi...

Đối với phòng cách ly áp lực âm, Giám đốc Sở Y tế cho biết hiện có 3 công ty thi công cho thành phố dưới sự tài trợ của các đơn vị và của Nhà nước, có thể làm thêm 100 phòng. 

Thành phố đã lập trung tâm vận hành nguồn nhân lực để cung cấp cho các khu tập trung mới, sẵn sàng ứng phó cho hai bệnh viện dã chiến.

"Đội cơ động đã đi Củ Chi, xuống Cần Giờ. Lực lượng sẽ luân phiên nhau đi, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc", ông Bỉnh nói.

Tính đến chiều nay, TP HCM ghi nhận 12 ca nhiễm nCoV (3 ca đã chữa khỏi), 3.000 trường hợp đang cách ly tập trung và 615 người đang cách ly tại nhà.

Tin bài liên quan