Ông Nguyễn Duy Hưng: Thị trường sẽ không bao giờ có “cơn mưa vàng” như trước 2010

Ông Nguyễn Duy Hưng: Thị trường sẽ không bao giờ có “cơn mưa vàng” như trước 2010

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng cho biết, nhà đầu tư ngoại đang tin tưởng và đánh giá cao TTCK Việt Nam, nhưng chưa nên kỳ vọng họ đổ mạnh vốn vào thị trường Việt Nam ngay lập tức, họ sẽ cần một khoảng thời gian nữa để “thử lửa”. 

Sau cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ ngày 29/4 và đặc biệt là sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ - Barack Obama, cụm từ “tự tin hơn” đã được nhà đầu tư nước ngoài nhắc tới nhiều hơn khi nói về TTCK Việt Nam tại các diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?

Thời gian qua, tôi được mời tham gia một số hội thảo tổ chức tại nước ngoài. Tại đó, tôi nhận thấy rằng số lượng nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới thị trường Việt Nam đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Góc nhìn của họ vào thị trường Việt Nam thời điểm hiện tại có thể nói là rất tin tưởng và đánh giá cao. Trong đó, điều được nhà đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, đó là so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang nổi lên với nền kinh tế, chính trị ổn định, tăng trưởng GDP ở mức cao.

Ngoài ra, việc mới đây Chính phủ đưa vào Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp và thể chế hóa thành nguyên tắc là chưa có tiền lệ và cho thấy quyết tâm rất mạnh mẽ trong việc củng cố lòng tin cho doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh ổn định, an toàn và đáng tin cậy. Quan trọng hơn, với việc được đảm bảo chắc chắn từ cam kết của Chính phủ, doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, thay vì phải đổ dòng vốn ra ngoài tìm cơ hội đầu tư chắc chắc hơn. 

Bằng chứng cho vấn đề này là việc chúng tôi vừa cùng lúc huy động được một quỹ mở, đăng ký tại Luxembourg với vốn huy động dự kiến lến tới 200 triệu USD. Trong khi đó, Công ty Quản lý quỹ SSIAM của chúng tôi tuần trước cũng vừa đóng quỹ 40 triệu USD huy động  cùng Daiwa.

Ông Nguyễn Duy Hưng  

Trên thị trường hiện nay, ít quỹ có thể huy động được vốn, dẫn tới câu chuyện nhiều nhà đầu tư lo ngại dòng tiền mới không nhiều trên thị trường chứng khoán. Quan điểm của ông ra sao?

Cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, thị trường sẽ không bao giờ có “cơn mưa vàng” như thời trước năm 2010. Việc nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và đánh giá cao vào thị trường Việt Nam không có nghĩa rằng họ sẽ giải ngân bằng mọi giá.

Từ quan tâm cho đến quyết định đầu tư thì đầu tiên phải cho họ thấy thị trường Việt Nam hấp dẫn ở điểm nào, tại sao họ nên đầu tư vào một ngành hay doanh nghiệp nào đó. Thời điểm này, khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, nhà đầu tư ngoại quan tâm đến những doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững và có P/E tốt.

Như bản thân quỹ của SSI, chúng tôi không huy động tiền về, đóng quỹ xong và giải ngân bằng mọi giá, mà giải ngân đến đâu đóng tiền đến đấy, hiện tiền đã về và có sẵn. Quỹ này không hạn chế đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hay không niêm yết, nếu cổ phiếu chưa niêm yết phải có lộ trình niêm yết và cần đáp ứng các tiêu chí về P/E và phát triển bền vững.

Do đó, chưa nên kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài sẽ ngay lập tức đổ mạnh vốn vào thị trường Việt Nam trong thời gian sắp tới. Theo tôi, họ sẽ cần một khoảng thời gian nữa để “thử lửa”.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này được không, thưa ông?

Điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất là P/E thật, chứ không phải P/E sổ sách. Với các tổ chức định chế tài chính quốc tế, điều này không khó để họ có thể nhận ra đâu là thật và đâu là sổ sách. Đương nhiên, việc công bố P/E như thế nào là quyền lựa chọn của doanh nghiệp và tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược từng thời điểm. Thế nhưng, khi doanh nghiệp đã xác định bước vào một “cuộc chơi” lớn hơn, thì cần phải xác định được yếu tố cân bằng giữa quyền lợi cổ đông trong ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trên toàn cầu hiện nay ngày càng quan tâm tới chiến lược hoạt động bền vững, tăng cường tính cạnh tranh và sáng tạo của doanh nghiệp như thế nào. Thông qua việc báo cáo một cách minh bạch, có tính giải trình và trách nhiệm, các doanh nghiệp củng cố lòng tin của các bên liên quan vào doanh nghiệp và nền kinh tế.

Quá trình thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến nhiều mặt trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ở mức độ cơ sở, báo cáo phát triển bền vững là công cụ có thể cải thiện khả năng nhận biết của doanh nghiệp về các rủi ro và cơ hội kinh doanh mới. Từ góc độ này, báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp chuẩn bị cho xu hướng phát triển mới, phân cấp trách nhiệm và cải thiện hệ thống quản lý để dần nâng cao hiệu quả hoạt động.

Quá trình lập báo cáo phát triển bền vững đòi hỏi doanh nghiệp cân nhắc lợi ích các bên liên quan, là các cá nhân hoặc nhóm người có thể bị ảnh hưởng bởi hoạt động của doanh nghiệp, quan tâm tới hoạt động của doanh nghiệp và/hoặc có thể chịu ảnh hưởng theo cách nào đó. Các bên liên quan có thể là nhân viên, khách hàng, bạn hàng, nhà cung cấp, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng, nhà đầu tư, chính phủ và giới truyền thông.

Do đó, báo cáo phát triển bền vững làm tăng thêm đáng kể giá trị về uy tín và năng lực kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xây dựng lòng tin với các bên liên quan khác nhau. Đây chính là yêu cầu mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn một công ty đại chúng tại Việt Nam phải thực hiện được nếu muốn thu hút sự quan tâm của họ.

Hiện tại, Chỉnh phủ cũng đang nỗ lực tạo cơ hội và khuyến khích đối với doanh nghiệp có định hướng phát triển bền vững, và đương nhiên họ là những doanh nghiệp tốt và khả năng huy động vốn của họ sẽ là rất cao.

Vậy, ông nhận định ra sao về diễn biến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2016?

Tôi cho rằng thị trường chứng khoán vào thời điểm này dù được nhìn nhận là xu hướng tốt, tuy nhiên khả năng sẽ không có cơn sốt tăng ào ào lên nữa. Thị trường từ nay tới cuối năm có lẽ sẽ giống với nửa cuối năm ngoái, biến động không mạnh và xu hướng chung là đi lên một cách chậm rãi.

Những kỳ vọng lớn vào thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm sẽ là khó, bởi thị trường nhiều thứ còn rất mới, từ Chính phủ mới, động lực tăng trưởng mới… đến những thách thức liên quan đến tăng trưởng bên vững vẫn chưa được giải quyết như cải thiện chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) hay bài toán nợ xấu của các ngân hàng, vấn đề nợ công, bội chi ngân sách. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc là nền kinh tế đang trong tình trạng xấu. Tôi khẳng định là không xấu, đặc biệt so với các nước trong khu vực.

Tôi từng phát biểu tại một hội thảo ở Hong Kong rằng, trong một tổ chức đầu tư có 2 bộ phận: bộ phận đề xuất đầu tư và bộ phận kiểm soát rủi ro. Bộ phận đề xuất đầu tư sẽ nói thị trường chứng khoán năm 2016 của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhất trong các nước trong khu vực. Còn những người quản lý rủi ro sẽ nói, thị trường chứng khoán Việt Nam ít xấu nhất trong các nước trong khu vực. Nghe thì có vẻ khác nhau, nhưng họ có chung một quan điểm: “Đây là địa chỉ tốt nếu chúng ta buộc phải đầu tư”.

Tin bài liên quan