Sâu đục thân hại mía

Sâu đục thân hại mía

Ong mắt đỏ - giải pháp sinh học phòng chống sâu đục thân

(ĐTCK) Ong mắt đỏ tồn tại trong tự nhiên đang được nhìn nhận và chứng minh là phương án hiệu quả, an toàn để giải quyết triệt để sâu đục thân gây hại cho nhiều loại cây trồng nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường. Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn TS. Trần Tấn Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng mía đường TTC về thực tế triển khai nuôi ong mắt đỏ và kết quả áp dụng tại các nông trường trồng mía trong thời gian qua.

Trong sản xuất nông nghiệp, sâu đục thân hay các loại sâu bệnh là một trong những mối nguy hại phổ biến ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của cây trồng. Làm sao để vừa giải quyết việc phòng trừ sâu bệnh nhưng vẫn không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thưa ông?

Sâu đục thân rất đa dạng về số loài và xuất hiện quanh năm, phá hoại nhiều loại cây trồng khác nhau như mía, lúa, cây ăn quả…

Sau khi đẻ trứng, chúng đục vào bên trong thân cây, phá hoại cấu trúc và cắt đứt đường dẫn nhựa, gây ức chế sinh trưởng, làm cho cây bị héo ngọn, phát triển không bình thường.

Đối với cây ăn quả, sâu sẽ làm yếu cành, dẫn đến dễ gãy đổ vào mùa mưa hoặc khi cây mang quả nặng. Còn đối với cây mía, sâu đục thân làm giảm năng suất và chữ đường, thậm chí có thể khiến cả đồng ruộng mất trắng.

Để diệt sâu đục thân, từ trước đến nay nông dân thường phun thuốc hóa học lặp đi lặp lại nhiều lần, điều này không chỉ gây tốn kém mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người và vật nuôi, làm giảm sự đa dạng sinh học.

Đặc biệt, đối với các khu vực canh tác hữu cơ thì việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học là hoàn toàn không được phép.

Nhằm tìm ra lời giải cho vấn nạn sâu hại này cũng như hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, thì việc sử dụng ong mắt đỏ chính là phương án hoàn hảo.

Không giống những con ong quen thuộc thường thấy, ong mắt đỏ là loài sống ký sinh với kích thước rất nhỏ. Đặc tính quan trọng nhất của loài ong này chính là tập tính đẻ trứng ký sinh vào bên trong trứng của các loài sâu hại.

Khi trứng ong mắt đỏ nở, con non sẽ tiêu thụ dinh dưỡng từ bên trong trứng sâu, khiến trứng chết đi, không còn khả năng nở ra sâu hại. 

Bằng việc chủ động nhân nuôi và phát tán ong mắt đỏ vào đồng ruộng, nông dân có thể tận dụng loài thiên địch này để tiêu diệt sâu đục thân những vẫn bảo vệ môi trường cũng như không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản. 

Vậy theo ông, triển vọng như thế nào cho việc nhân rộng mô hình này?

Hiểu được giá trị của biện pháp sinh học từ loài ong mắt đỏ, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu và nhân nuôi, cung cấp cho bà con nông dân từ Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng mía đường Thành Thành Công (SRDC) thuộc TTC Sugar.

Với đặc thù là đơn vị giữ vai trò nghiên cứu, tư vấn và triển khai kỹ thuật canh tác hiện đại cho các nông trường mía của TTC Sugar, SRDC đã tập trung đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm có năng lực sản xuất lớn, khép kín.

Niên vụ 2016 - 2017, SRDC đã nhân nuôi và thả ong mắt đỏ trên 200ha diện tích nông trường khu vực tỉnh Tây Ninh và 300 ha diện tích canh tác mía hữu cơ của TTC Attapeu (Lào).

Kết quả đạt được hết sức khả quan khi mức độ thiệt hại do sâu đục thân gây ra giảm rõ rệt, được các nông trường đánh giá cao.

 SRDC có thể sản xuất được số lượng rất lớn ong mắt đỏ

Từ kết quả này, SRDC đã ở nhiều lớp tập huấn cho nông dân trồng mía và cán bộ nông vụ, cán bộ kỹ thuật để tuyên truyền về giải pháp này nhằm nâng cao nhận thức về biện pháp sinh học để có thể mở rộng phạm vi sử dụng trong tương lai.

Hiện nay, SRDC đã cải tiến, dần hoàn thiện phương pháp nhân nuôi ngài gạo để lấy trứng nhân nuôi ong mắt đỏ, cũng như phương pháp tồn trữ, phương pháp cho ký sinh và phương pháp thả ong trên ruộng.

Từ đó, SRDC có thể sản xuất được số lượng rất lớn ong mắt đỏ với chi phí cạnh tranh so với việc sử dụng thuốc trừ sâu.

Qua sự cải tiến này, SRDC đã có đủ năng lực cung cấp ong mắt đỏ cho 7.000 ha mía trong niên độ 2018 - 2019 và đạt trên 40.000 ha từ sau năm 2019.

Vậy ngoài cây mía, ông có tự tin rằng có thể nhân rộng mô hình này ra các loại cây trồng khác?

Với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại song song với bảo vệ môi trường, SRDC nói riêng và TTC Sugar nói chung đã và đang nỗ lực hết mình để đem biện pháp sinh học từ loài ong mắt đỏ phổ biến rộng rãi hơn, không chỉ là ở cây mía mà còn cho tất cả các loại cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sâu đục thân.

Để nỗ lực này mang lại giá trị thì mô hình cánh đồng mẫu lớn, đồng bộ hóa các biện pháp canh tác và chăm sóc phải được nhân rộng. Có như vậy, các biện pháp sinh học mới có thể phát huy hiệu quả và tận dụng được tối đa ý nghĩa về bảo vệ môi trường khi hạn chế được vấn đề ô nhiễm chéo.

Đây cũng là cách để ngành nông nghiệp tạo ra các sản phẩm nông sản sạch, có giá trị cao cung cấp cho thị trường.

Chúng tôi đang tự tin nghiên cứu mô hình này với các loại cây trồng khác, đặc biệt là giống cây trồng theo mô hình công nghệ cao khác và sẽ cụ thể về kết quả trong thời gian sớm nhất.

Tin bài liên quan