Ông lớn Nhật tăng tốc thâu tóm cổ phần

Ông lớn Nhật tăng tốc thâu tóm cổ phần

(ĐTCK) Hãng dược phẩm Nhật Bản Taisho Pharmceutical đang tỏ rõ tham vọng trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát CTCP Dược Hậu Giang (DHG). Trước đó, nhiều nhà đầu tư từ xứ sở mặt trời mọc đã nâng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại doanh nghiệp trong nước. 

Từng bước thâu tóm doanh nghiệp nội

Hãng dược phẩm Nhật Bản Taisho Pharmaceutical vừa ra thông báo trên website của mình về kế hoạch mua thêm 28,35 triệu cổ phiếu, tương đương 21,7% cổ phần của Dược Hậu Giang (DHG) với giá 120.000 đồng/cổ phần. Dự kiến, Taisho sẽ chi 3.403 tỷ đồng cho thương vụ này.

Giao dịch bắt đầu được thực hiện từ giữa tháng 3 và kết thúc vào giữa tháng 4/2019, sau đó hoàn tất chuyển nhượng cổ phần vào cuối tháng 4/2019.

Taisho đầu tư vào Dược Hậu Giang từ tháng 5/2018 với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 24,5%, hiện đã nâng lên 34,99%. Nếu mua thành công lượng cổ phiếu đăng ký như trên, Taisho sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 56,69%, nắm quyền kiểm soát công ty này.

Tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường dược phẩm Việt Nam và lợi ích từ việc tận dụng chi phí sản xuất giá rẻ cùng hệ thống phân phối khiến doanh nghiệp dược trở thành mục tiêu thâu tóm của dòng vốn ngoại, trong đó có dòng vốn từ Nhật Bản.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, ngày càng có nhiều công ty dược nước ngoài hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để tận dụng chi phí sản xuất rẻ hoặc hệ thống phân phối như sự hợp tác giữa Pymepharco và Stada Group, Dược Hậu Giang và Taisho hay Mekorpha và Nipro…

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, nếu ở góc nhìn nhà đầu tư tài chính, cổ phiếu DHG không quá hấp dẫn bởi thiếu đi điểm nhấn tăng trưởng đột biến trong tương lai, nhưng với nhà đầu tư chiến lược là công ty dược thì lại khác.

Taisho đầu tư vào Dược Hậu Giang với mong muốn áp dụng công nghệ sản xuất dược phẩm Nhật Bản vào doanh nghiệp này, đặc biệt quan tâm đến hệ thống phân phối của DHG để khai thác thế mạnh của hai bên, mở rộng thị phần trong tương lai.

Trước đó, đã có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản thâu tóm thành công doanh nghiệp trong nước sau một thời gian tham gia đầu tư.

Cụ thể, Tập đoàn Sojitz đã bỏ ra 91,2 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng) để thâu tóm 95,24% cổ phần Công ty Giấy Sài Gòn (Sai Gon Paper).

Hay sau khi mua thành công 33,2 triệu cổ phiếu VIS từ CTCP Đầu tư Thương mại Thái Hưng vào tháng 5/2018, Kyoel Steel - Công ty thép đến từ Nhật - đã chính thức thâu tóm Thép Việt Ý, với tỷ lệ sở hữu 65% vốn… 

70% nhà đầu tư Nhật muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam

Thông tin này được Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) tại Việt Nam đưa ra hôm 4/3. Jetro cho biết, tỷ lệ này so với các nhà đầu tư từ các nước khác là tương đối cao. Ngay cả đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010, cũng có 67,1% doanh nghiệp chia sẻ chủ trương mở rộng đầu tư.

Trong các lợi thế về môi trường đầu tư thì quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất. Chi phí công nhân rẻ cũng là lợi thế được các doanh nghiệp đề cập đến.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Umeda Kunio cho biết, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam ước đạt 8,6 tỷ USD trong năm 2018.

Năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục đặt nhiều quan tâm vào thị trường Việt Nam. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa hai nước.

“Xu hướng nhà đầu tư Nhật Bản gia tăng tỷ lệ sở hữu tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam cho thấy thị trường Việt Nam đang được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là giá cổ phiếu rẻ, mà còn bởi nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển trong dài hạn tại thị trường này”, ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Tin bài liên quan