“Ông lớn” ngành công nghệ hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Business Monitor International (BMI), tập đoàn chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích và đánh giá thị trường của Anh, thị trường công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đang phát triển chóng mặt, với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp CNTT nước ngoài cung cấp các giải pháp an ninh và công nghệ điện toán đám mây dành cho cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức.
“Ông lớn” ngành công nghệ hiện diện nhiều hơn tại Việt Nam

Theo BMI, từ nay đến năm 2017, thị trường CNTT của Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 14,1%/năm, do thu nhập của người dân tăng, cùng với việc các doanh nghiệp đang đổi mới hoạt động và các chính sách ưu đãi của Chính phủ. “Doanh số từ dịch vụ sẽ trở nên nóng trên thị trường CNTT Việt Nam do nhu cầu tăng từ các ngành ngân hàng, viễn thông, năng lượng và quản lý công”, báo cáo nêu rõ.

Còn theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDC), dự kiến, năm 2014, doanh thu trên thị trường CNTT của Việt Nam đạt 13,05 tỷ USD.

Do tiềm năng thị trường khá lớn, nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài, như Microsoft, Apple, IBM, Canon, Dell, Lenovo, Hewlett Packard, Panasonic, Sony, Toshiba, Huawei Technologies... đang có ý định mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam, thông qua việc cung cấp nhiều giải pháp, sản phẩm mới.

Cuối tháng 6 vừa qua, IBM đã giới thiệu giải pháp điện toán đám mây Softlayer tại thị trường Việt Nam. Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Thiếu Nhi Mới là một trong những doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên của Việt Nam sử dụng Softlayer để mở rộng các loại hình dịch vụ đến hơn 400.000 lượt khách hàng mỗi tháng và 20 trung tâm trên cả nước. Công ty được biết đến với 2 thương hiệu tiNiWorld và tiNiTown.

“IBM không ngừng chuyển đổi mô hình kinh doanh bằng cách đầu tư vào các xu hướng công nghệ mang giá trị cao, như điện toán đám mây, công nghệ phân tích, các giải pháp di động và các giải pháp kinh doanh trên mạng xã hội... IBM nhìn nhận điện toán đám mây không chỉ là một hiện tượng về công nghệ, mà là một động lực tăng trưởng mang tính đổi mới giúp các doanh nghiệp tiếp cận khách hàng theo những cách mới với sự linh hoạt về cơ sở hạ tầng và hiệu quả về chi phí của các môi trường điện toán đám mây”, ông Tan Jee Toon, Tổng giám đốc IBM Việt Nam cho biết.

Ông Ngô Việt Khôi, Giám đốc Kinh doanh quốc gia Trend Micro Việt Nam và Campuchia cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp CNTT nước ngoài đang muốn đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam vì đây là “thị trường quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các dịch vụ và phần cứng CNTT”.

Hiện Trend Micro đang tìm kiếm khách hàng cho giải pháp “deep discovery” giúp phát hiện và đề ra các giải pháp chống lại các hacker và virus chỉ trong vòng vài phút. Hiện giải pháp này đang được 600 tập đoàn kinh tế trên thế giới sử dụng.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam, cho biết, tháng 10/2013, Cisco mua lại SourceFire, doanh nghiệp chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm và phần cứng về an ninh mạng có trụ sở tại Mỹ. Thương vụ này đã giúp Cisco cung cấp một giải pháp tường lửa thế hệ mới với khả năng chống mã độc cao cấp tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, hiện tại, cho dù công tác bảo mật trong các doanh nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng số sự cố về mất an ninh thông tin vẫn gia tăng, cùng việc ngày càng nhiều dữ liệu và hạ tầng thông tin của doanh nghiệp bị tấn công. Vì thế, doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục đầu tư để nâng cao các giải pháp về an ninh mạng.

Theo một nghiên cứu của IBM, tại Việt Nam, chưa tới 10% doanh nghiệp, tổ chức được khảo sát cho biết, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của họ đã hoàn toàn sẵn sàng để theo kịp và hỗ trợ các thiết bị di động, mạng xã hội, công nghệ phân tích dữ liệu...

“Đòi hỏi ngày càng cao cho các khoản đầu tư bảo mật để cải thiện công nghệ, quy trình và chiến lược, trong khi vẫn phải đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đã đặt doanh nghiệp dưới sức ép lớn. Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT”, ông Sơn nói.

Cũng theo BMI, Việt Nam đang trở thành điểm sản xuất các thiết bị CNTT của nhiều tập đoàn lớn. Ví dụ, nhờ các ưu đãi về thuế của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp như Intel và Samsung Electronics đã trực tiếp sản xuất các sản phẩm máy tính bảng, điện thoại thông minh... tại Việt Nam. Hai đại gia này dự kiến sản xuất 40% lượng máy tính bảng và điện thoại thông minh tại Việt Nam vào năm 2015.             

Tin bài liên quan