Ông Lê Tiến Trường

Ông Lê Tiến Trường

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex: Không ngại tiếng “vác tù và…”

Sắm cả 2 vai, vừa đại diện cho doanh nghiệp, vừa đại diện cho hiệp hội, trong quá trình tham vấn đàm phán các FTA của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường thừa nhận: “Điều đó đặt ra cho tôi nhiều thử thách”. Nhưng ông đã làm với tất cả sự hào hứng, vì ông xác định, đây không phải là việc “vác tù và…” như nhiều người nghĩ.
 

Hẹn gặp ông vào những ngày cuối năm thật khó, bởi lịch họp dày đặc cùng hàng loạt chuyến đi để khởi công, đưa vào hoạt động các dự án mới mà Vinatex là chủ đầu tư.

Thật ra, 365 ngày ông đều bận thế, bởi Vinatex đã chuyển sang mô hình cổ phần  từ đầu năm 2015, những dự án đầu tư mới được khởi công dồn dập nhằm tăng nhanh tỷ lệ tự chủ về nguyên phụ liệu. Hơn nữa, ngoài trách nhiệm quản lý một doanh nghiệp quy mô vốn hơn 5.000 tỷ đồng, với gần 100 doanh nghiệp thành viên, ông còn kiêm thêm vai Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas).

4 năm, 20 cuộc đàm phán và hàng trăm cuộc họp về TTP

Như được khơi đúng mạch, ông dường như quên đi bận rộn và hào hứng kể về những ngày tháng tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Chính phủ. Ông bảo, Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ năm 2010, thì đến năm 2011, dệt may chính thức có mặt trong các cuộc đàm phán với vai trò tham vấn và trực tiếp. Đến khi TPP kết thúc vòng đám phán, dệt may đã tham gia 20 phiên.

“Việc dệt may tham gia đàm phán FTA là không thể khác được, bởi chỉ có họ mới hiểu được đâu là năng lực cạnh tranh, đâu là điểm yếu của mình, để từ đó xây dựng được bản chào hợp lý, đề xuất mặt hàng nào giảm thuế ngay, chủng loại hàng nào giảm theo lộ trình”, ông Trường phân tích.

TPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những FTA thế hệ mới, với nhiều vấn đề rộng, phức tạp hơn, từ giảm thuế, mở cửa thị trường, quy tắc xuất xứ, lao động, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, doanh nghiệp nhà nước… Để ngành dệt may Việt Nam phát triển theo hướng gia tăng giá trị và được hưởng nhiều lợi ích, thì Vitas và Vinatex, với vai trò là doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, phải có sự tham vấn và phân tích kỹ với đoàn đàm phán TPP.

Với mục tiêu là có những đề xuất và tư vấn chính xác với đoàn đàm phán TPP, ông đã chỉ đạo thành lập hẳn một đội tư vấn về dệt may cho TPP và EVFTA ngay tại Vinatex. Đội tư vấn có nhiệm vụ nghiên cứu năng lực sản xuất, thị trường xuất khẩu… và đưa ra đề xuất cụ thể nhất với từng mặt hàng.

“Đã có hàng trăm cuộc họp tại Vinatex để có thể đưa ra các bản chào (chào quy tắc xuất xứ, chào thuế, dòng nào vào, dòng nào ra rất rõ ràng), thậm chí vì là người trong cuộc, nên mình càng phải làm sâu hơn”, ông kể với niềm vui trong ánh mắt vì kết thúc đàm phán TPP, lợi ích của dệt may Việt Nam được đánh giá là chấp nhận được, khi đạt cả 2 mục tiêu trước mắt là giảm thuế ngay với một số mặt hàng, giúp tiết kiệm hàng tỷ USD và mục tiêu lâu dài là phát triển ngành theo hướng giá trị gia tăng cao hơn, chuỗi cung ứng đặt trọn vẹn hơn ở Việt Nam.

“Năm 2014, ngành dệt may Việt Nam nộp thuế cho Hoa Kỳ trong xuất khẩu hàng dệt may lên tới 1,7 tỷ USD. Nhưng khi TPP có hiệu lực, ngành sẽ giảm thuế được hơn 900 triệu USD và đến năm 2020, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 17-20%, thì lợi từ giảm thuế sẽ lên tới 2 tỷ USD”, ông Trường nêu con số cụ thể.

Đừng ngại tiếng “vác tù và…”

Điều khiến ông Trường tâm đắc rút ra được sau 4 năm theo sát các cuộc đàm phán TPP chính là tư duy và năng lực hành động của các doanh nghiệp trong nước, cũng như vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong kinh tế thị trường.

“Khi Nhà nước đàm phán các FTA, thì hơn ai hết, các ngành hàng, doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt thị trường phải tham gia tích cực. Không nên nghĩ rằng, đấy là chuyện ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’, mà đó chính là việc của mình. Cả thế giới người ta làm vậy và làm rất chuyên nghiệp”, ông tâm niệm.

Đứng cả 2 vai, vừa đại diện doanh nghiệp, vừa đại diện cho hiệp hội, trong quá trình tham vấn trong đàm phán các FTA, có khi nào ông nghiêng về phía Vinatex? Trước câu hỏi này, ông thừa nhận: “Điều đó đặt ra cho tôi nhiều thử thách hơn”, nhưng ông lại tự tin khẳng định: “Tôi đã nhận thức đúng và làm đúng. Khi tham vấn, phải đứng với tư cách của cả ngành, để làm sao được là được chung, chứ không thể chỉ nhìn chăm chăm vào góc độ doanh nghiệp mình điều hành”.

Nhớ lại thời kỳ đàm phán về quy tắc xuất xứ trong TPP, ông Trường kể, trong khi Việt Nam đặt vấn đề quy tắc đơn giản nhất (cắt và may), thì phía Mỹ đề xuất quy tắc cao nhất (từ sợi trở đi), khâu mà doanh nghiệp dệt may trong nước đang yếu nhất. Kết thúc đàm phán, quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” vẫn được thống nhất, nhưng linh hoạt hơn, bởi có thêm Danh mục Nguồn cung thiếu hụt, trong đó, lại có Nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn cho phép một số mặt hàng được mua vải từ các quốc gia ngoài TPP vĩnh viễn và vẫn được giảm thuế.

Quá trình xây dựng Danh mục Nguồn cung thiếu hụt kéo dài cả năm, vì Việt Nam muốn đưa ra danh mục rộng để thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sau này. Phía Mỹ lại xây dựng danh mục hẹp hơn, nên hai bên phải đàm phán với nhau. Cuối cùng, hai bên chốt với nhau danh sách 184 dòng sản phẩm nằm trong Danh mục Nguồn cung thiếu hụt, trong đó, chỉ có 4 nguồn cung thiếu hụt tạm thời, còn lại nằm trong nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn…

“Đó là kết quả của cả một quá trình đàm phán linh hoạt, sáng tạo, xuyên suốt, với sự tham vấn và đề xuất từ phía đại diện Vitas và Vinatex”, ông Trường phấn khởi nói.

Và quan điểm hành động

Đến giờ phút này, vấn đề của ngành dệt may đã khá rõ ràng, khi mà vướng mắc lớn nhất về quy tắc xuất xứ trong TPP đã được ấn định “từ sợi trở đi”, kèm theo các quy định linh hoạt, mềm dẻo về Danh mục nguồn cung thiếu hụt/Nguồn cung thiếu hụt vĩnh viễn. Việc cần làm ngay lúc này của ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng là nhanh chóng rút ngắn khoảng cách về khả năng tự cung ứng nguyên phụ liệu để tận dụng cơ hội giảm thuế cao nhất.

Với vai trò điều hành Vinatex, ông Trường chia sẻ, Tập đoàn đã lên kế hoạch hành động từ rất sớm. Các dự án đầu tư lớn của Vinatex đã được khởi động từ cuối 2013, đầu năm 2014, với 60% tổng vốn đầu tư được dồn cho các dự án nguyên phụ liệu. Nhưng nay đầu tư của Vinatex đã khác giai đoạn về trước.

Trách nhiệm bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước, huy động thêm các nguồn lực để tạo được quy mô vốn lớn cho các dự án là nhiệm vụ sống còn với người giữ cương vị Tổng giám đốc như ông.

“Chúng tôi đang đầu tư để ngày càng hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu của Tập đoàn. Mục tiêu là đáp ứng 60-70% nhu cầu vào năm 2018, khi mà TPP dự kiến có hiệu lực. Hai năm 2016 và 2017 sẽ thời điểm chuẩn bị cho các dây chuyên sản xuất đồng bộ, khép kín”.

Cụ thể, Vinatex sẽ chỉ đầu tư từng dây chuyền sản xuất, như dây chuyền dệt kim nhẹ để làm quần áo lót, dây chuyền quần áo dệt thoi, dây chuyền quần áo veston, jacket…, với khâu đầu tư bắt đầu từ sợi đến may để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu về sợi trở đi. Nguyên tắc thực hiện là kết nối, điều chỉnh cái đang có và đầu tư bổ sung cái thiếu, để vừa đảm bảo tiến độ nhanh nhất, vừa tiết kiệm chi phí nhất. 

Được biết, mới đây, Dự án sản xuất vải với tổng vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng tại Long An đã được khánh thành, hòa vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn. Và không lâu nữa, khoảng 5 dự án sản xuất sợi, vải công suất lớn tại Nam Định, Quảng Nam… sẽ tiếp tục nhân rộng chuỗi sản xuất khép kín của Vinatex.

Năm 2015, xuất khẩu dệt may đã mang về lượng ngoại tệ 27,5 tỷ USD, trong đó Vinatex giữ vững vị trí doanh nghiệp đầu tàu đóng góp kim ngạch xuất khẩu 3,463 tỷ USD, tăng 10%, doanh thu đạt 52.655 tỷ đồng… Ông Trường bảo, các dây chuyền sản xuất mà Tập đoàn đang ráo riết đầu tư trong năm 2016-2017 sẽ làm nhiệm vụ gia tăng quy mô sản xuất theo chuỗi nhanh nhất.

Tin bài liên quan