VN-Index đang dao động ở vùng điểm cao kể từ đầu năm đến nay, thậm chí trong vòng vài năm qua. Trên thị trường, có một số khuyến nghị nhà đầu tư không nên “mua đuổi” tại thời điểm này. Ông nhận định như thế nào về diễn biến của thị trường trong ngắn hạn?
Ông Hoàng Thạch Lân
Ở đây, chúng ta cần nói rõ rằng, thuật ngữ “mua đuổi” chỉ dành cho dân lướt sóng, đầu tư ngắn hạn. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đa số nhà đầu tư thực hiện đầu tư ngắn hạn, trong đó nhiều người thường sử dụng giao dịch ký quỹ (margin). Trong tình trạng VN-Index đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh, nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra cảnh báo với khách hàng là nhà đầu tư ngắn hạn về nguy cơ rủi ro.
Còn về nhà đầu tư giá trị, bản thân tôi đều đọc báo cáo khuyến nghị của các công ty chứng khoán lớn hàng tuần, trong đó đa số là khuyến nghị “mua” và nhận định “khả quan”. Thị trường chứng khoán cuối tháng 5, đầu tháng 6 có rất nhiều thông tin tác động đến thị trường, cả tin tốt lẫn tin xấu, nhưng tin tốt có vẻ áp đảo, ví dụ thông tin giá dầu thế giới phục hồi chạm mức 50 USD/thùng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và Thông tư 07/2016/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú), Mỹ vừa hủy bỏ chương trình giám sát ca da trơn Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đang tiến hành phân bảng UPCoM Premier, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM điều chỉnh quy tắc tính chỉ số VN30 từ 1/7/2016...
Thông thường, ngưỡng kháng cự của VN-Index chỉ phát huy tác dụng khi có tin xấu xuất hiện đúng lúc, nhưng trong ngắn hạn thì có lẽ chưa có tin nào có đủ độ “xấu”. Do đó, trong bối cảnh thông tin tốt đang áp đảo, tôi cho rằng, nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ tăng điểm.
Nghĩa là thị trường vẫn đang còn nhiều cơ hội, vậy đâu là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nên quan tâm, theo ông?
Theo tôi, nhà đầu tư nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu của các công ty có thế mạnh về môi giới chứng khoán và nhóm cổ phiếu dầu khí. Hiện nay, đa số doanh nghiệp lớn trong ngành dầu khí đều có nền tảng tài chính tốt, doanh thu và lợi nhuận suy giảm chỉ mang tính giai đoạn nhất thời.
Đối với một số doanh nghiệp, cho dù chỉ số định giá P/E dự phóng năm 2016 khá cao do dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giảm, nhưng xét theo chỉ tiêu P/B (thị giá trên giá trị sổ sách), hay tỷ lệ cổ tức/thị giá, thì giá cổ phiếu vẫn đang ở mức hấp dẫn. Do vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân trong thời điểm này, nhất là đối với cổ phiếu của các công ty đang có hệ số P/B thấp.
Cùng với Thông tư 06/2016/TT-NHNN đưa ra lộ trình “siết” việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay và hệ số rủi ro cho vay bất động sản theo hướng “mềm mại”, chứ không “sốc” như dự thảo, thì gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã chính thức được gia hạn giải ngân đến hết năm 2016. Thông tin này đang được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực đối với nhóm cổ phiếu bất động sản. Ông có nhận xét gì về kỳ vọng này?
Tôi nghĩ, gói tín dụng 3.000 tỷ đồng được gia hạn giải ngân chủ yếu có tác động tích cực về mặt tâm lý. Thậm chí, gói 30.000 tỷ đồng có được nâng lên thành 33.000 tỷ đồng hay 35.000 tỷ đồng như đề xuất của Hiệp hội Bất động sản thì tình hình thực tế vẫn sẽ không có nhiều biến chuyển.
Cho đến nay, ngoại trừ CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) tuyên bố tập trung làm nhà thu nhập thấp, thì tôi không rõ là còn công ty bất động sản niêm yết nào thực hiện chuyên môn hóa như vậy không, chứ thực tế cho thấy, đa số công ty bất động sản trên sàn chứng khoán đều tham gia mạnh vào phân khúc trung và cao cấp, bởi tỷ suất lợi nhuận ở 2 phân khúc này cao hơn hẳn.
Để hoạt động được ở cả 2 phân khúc này, các công ty bất động sản vẫn phải đi vay nhiều và tất nhiên, đa số sẽ không được vay ở gói ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, gói 30.000 tỷ đồng này vẫn chỉ là “vốn mồi”, nhằm giúp giữ độ “nóng” cho thị trường bất động sản.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo ông, lãi suất hạ sẽ có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Cá nhân tôi cho rằng, hạ được mặt bằng lãi suất cho vay thì sẽ tốt cho đa số doanh nghiệp. Trên sàn chứng khoán đang có 3 nhóm doanh nghiệp, xét từ góc độ đi vay, là nhóm vay rất ít (điển hình là VNM), nhóm vay lãi suất thấp (chủ yếu là vay ngoại tệ) và nhóm vay thông thường. Trong đó, nhóm vay thông thường chiếm phần lớn, với lãi suất vay tiền đồng từ 8%/năm trở lên.
Một số doanh nghiệp tuyên bố họ vay được với lãi suất thấp hơn, nên chi phí lãi vay trên báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2016 giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thực chất là họ đã vốn hóa bớt chi phí lãi vay. Hệ quả, dù lợi nhuận sau thuế và chỉ tiêu lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) tăng lên, nhưng áp lực về dòng tiền thì vẫn như trước.
Tôi cũng nghĩ rằng, các nhóm ngành sản xuất - kinh doanh khác nhau thì có mặt bằng lãi suất khác nhau. Do đó, khi thực hiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay thì trước hết cần xác định cụ thể nhóm ngành nào cần hạ trước, nhóm ngành nào hạ sau. Từ trước tới giờ, tôi thấy nhóm ngành nông nghiệp được hưởng lãi suất thấp, nhưng như thế vẫn còn chung chung quá, nên chi tiết đến mức độ phân ngành cấp 3 theo tiêu chuẩn Việt Nam.