Ông Dương Nhất Nguyên, Phó tổng giám đốc Vietbank: lãnh đạo trẻ và cách nhìn trong công tác quản trị

Ông Dương Nhất Nguyên, Phó tổng giám đốc Vietbank: lãnh đạo trẻ và cách nhìn trong công tác quản trị

Là một doanh nhân trẻ, ông Dương Nhất Nguyên,Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Vietbank quan niệm, khi đối diện với khó khăn, cách tốt nhất là bình tĩnh, mạnh dạn tìm giải pháp để vượt qua, không né tránh hay đi vòng. Khó khăn không thể tự biến mất, nhưng luôn đi kèm cơ hội, vì thế cách nhìn lạc quan của mỗi người cộng với đam mê trong công việc là chìa khóa để đi đến thành công.

Điều hành ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng chắc hẳn là thách thức lớn đối với một lãnh đạo trẻ như ông?

Người đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao ở tất cả các tổ chức là một người tướng. Mỗi hành vi của họ đôi khi quyết định sự sống còn của tổ chức và đời sống của nhân viên. Vị trí càng cao thì mức độ khó khăn, thách thức càng lớn.

Người ở cương vị lãnh đạo, khi đối diện khó khăn, nếu né tránh thì khó khăn không tự nhiên biến mất, mà cách tốt nhất là phải mạnh dạn tìm giải pháp. Tôi quan niệm, khó khăn luôn đi kèm với cơ hội. Quan trọng là cách nhìn lạc quan của mỗi người. Hiện nay, thị trường vẫn còn nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro, nhưng song song đó cũng có nhiều cơ hội đi kèm. 

Trước khi gia nhập lĩnh vực tài chính, ông đã từng kinh qua những ngành nghề nào? Tại sao ông lại bén duyên với ngân hàng vốn được xem là lĩnh vực khá khô khan?

Trước đây, tôi học ngành bào chế dược, sau đó tiếp tục học MBA về quản lý dự án. Tôi đã tham gia điều hành các dự án lớn liên quan đến dược, y tế tại Hoa Lâm - Shangrila và nhiều dự án xây dựng tòa nhà như Lim I, Lim II… Và hiện nay, tôi tham gia điều hành Vietbank. Đây cũng là khó khăn với tôi trong những ngày đầu gia nhập lĩnh vực ngân hàng, nhưng tôi tâm niệm, chỉ cần đam mê, liên tục học hỏi thì không có gì là khó khăn.

Tôi cho rằng, lĩnh vực tài chính không hẳn là khô khan. Quá trình điều hành tại Vietbank đã tạo cơ hội cho tôi có cái nhìn bao quát, mở rộng kiến thức đối với nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là về vấn đề đối nhân. Trong một đơn vị hơn ngàn cán bộ, nhân viên thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề hơn một doanh nghiệp vài chục người, nên đòi hỏi người lãnh đạo phải có cái nhìn bao quát hơn để giao đúng việc, đúng người thì mới hiệu quả.

Nhân nói về chuyện sử dụng nhân lực, trước làn sóng ngân hàng cắt giảm nhân sự để tiết giảm chi phí hiện nay, theo ông, làm thế nào để giữ được chế độ tiền lương, giữ người tài, trong khi biên lợi nhuận giảm dần?

Tối ưu hóa các nguồn lực là vấn đề chung của tất cả các doanh nghiệp. Mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp là sử dụng chi phí tối thiểu, nhưng kỳ vọng đạt lợi ích tối đa. Đối với ngành ngân hàng, do tác động chính sách vĩ mô và yếu tố cạnh tranh của thị trường, nên biên lợi nhuận hiện nay thu hẹp dần khi mặt bằng lãi suất giảm. Do đó, thách thức của người điều hành ngân hàng là phải giải được bài toán tối ưu các nguồn lực.

Tại Vietbank, ngoài mục tiêu tăng trưởng các chỉ số kinh doanh, chúng tôi còn đặt mục tiêu tối ưu hóa chi phí, làm sao để sử dụng chi phí một cách tiết kiệm nhất, hiệu quả cao nhất. Nhưng với chi phí nhân sự, chúng tôi chủ trương không giảm, bởi chính sách lương, thưởng đảm bảo quyền lợi, đời sống của cán bộ, nhân viên thì họ mới yên tâm tác nghiệp, nâng cao năng suất làm việc. 

Đối với một doanh nhân trẻ để thành công, theo ông, cần hội tụ những yếu tố nào?

Thị trường luôn thay đổi, khó khăn, thách thức xen lẫn cơ hội. Nếu chỉ đứng nhìn và lo sợ thì khó khăn không chắc sẽ qua nhưng cơ hội sẽ vụt mất. Vì thế, quan niệm của tôi là nhìn mọi việc diễn ra trong cuộc sống cũng như trên thương trường bằng cái nhìn lạc quan thì mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhìn bình nước đặt trên bàn, người lạc quan sẽ nói cái bình đầy được một phần hai, người không lạc sẽ nói cái bình cạn đi 1/2.

Đối với tôi, ngoài việc phải tiếp tục hoàn thành các mục tiêu cao hơn, còn phải gìn giữ các thành quả hiện tại của doanh nghiệp do mình quản lý. Là doanh nhân thì phải liên tục giải bài toán quản trị tối ưu các nguồn lực, quản trị rủi ro. Trong xu thế hiện nay, người làm nhiều không hẳn đã mang lại hiệu quả cho tổ chức, đôi khi lại tạo sự trì trệ. Có một câu nói mà mẹ tôi hay nói với tôi: “Đừng làm nhiều mà hãy làm thông minh”. Chính sự khác biệt trong cách làm tạo ra hiệu quả và giá trị khác nhau. 

Làm ngân hàng trong thời buổi này có sự thay đổi thế nào so với 5 năm trước và đòi hỏi tư duy của những người lãnh đạo trong ngành phải thích ứng ra sao?

Trong 5 năm qua, ngành ngân hàng đã trải qua nhiều thăng trầm, qua đó toàn ngành đã vẽ lại bức tranh chung về quản trị rủi ro. Trước đây, thị trường tài chính phát triển mạnh, khách hàng tự tìm đến các ngân hàng. Nhưng tốc độ phát triển nhanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến chúng ta phải định nghĩa lại vấn đề rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Bằng các chính sách vĩ mô, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời giải quyết khó khăn của thị trường tài chính, giúp thị trường đi đúng hướng. Sau 2 năm Chính phủ thực hiện đề án tái cơ cấu, thị trường tài chính đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động lành mạnh hơn. Qua đó, niềm tin của người dân đối với thị trường đã được củng cố.

Thực tế hiện nay, ngân hàng phải tìm đến khách hàng, cuộc đua tìm kiếm khách hàng của các ngân hàng khốc liệt hơn trước. Các ngân hàng không chỉ cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ, mà còn phải cạnh tranh chăm sóc khách hàng, nhưng không vì điều đó mà chúng ta bỏ qua vấn đề kiểm soát rủi ro trong quá trình tác nghiệp. 

Theo ông, tình hình thị trường tiền tệ trong năm 2015 sẽ ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của ngành ngân hàng, cũng như của VietBank?

Kinh tế trong năm 2015 được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh hơn năm 2014, đòi hỏi thị trường tài chính phải đáp ứng được nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển. 2015 cũng là năm cuối cùng để thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015. Có thể nói, hoạt động tài chính ngân hàng chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố: chính sách vĩ mô, thị trường và thực lực của các tổ chức tín dụng.

Các chỉ tiêu hoạt động VietBank năm nay được xây dựng dựa trên mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành, đảm bảo an toàn và đẩy mạnh tăng trưởng. Vietbank sẽ tập trung mở rộng, phát triển hoạt động kinh doanh với phương châm lấy chữ tín để tạo dựng, củng cố niềm tin với khách hàng, cổ đông, cán bộ, nhân viên đúng như tên gọi Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín.

Việc chúng tôi đề ra mục tiêu tăng trưởng mạnh trong năm 2015 được xem là tham vọng, nhưng Vietbank có cơ sở và phải nỗ lực thực hiện để đạt kế hoạch. Hiệu quả của ngân hàng đều được chứng minh bằng những con số. Vì thế, khi kết thúc năm, Vietbank đạt được kế hoạch 2015, chúng tôi sẽ tự khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, đạt kỳ vọng cổ đông. 

Là một trong những ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa, VietBank có đứng trước áp lực mua bán, sáp nhập (M&A) để tồn tại và phát triển, hay tiếp tục vững bước tái cấu trúc bằng nội lực, thưa ông?

Vietbank là một ngân hàng trẻ, năng động. Chúng tôi luôn ý thức cần phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, an toàn và bền vững trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực cho hoạt động kinh doanh kết hợp với quản trị rủi ro.

Chúng tôi quan niệm, việc tái cấu trúc không chỉ xuất phát từ chính sách của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, mà còn là công việc thường xuyên trong hoạt động của Vietbank. Ban điều hành Vietbank thường xuyên rà soát chính sách, quy định để phù hợp với diễn biến của thị trường, hoàn thiện bộ máy quản lý tinh gọn nhất, từ đó giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế để hoạt động kinh doanh tăng trưởng bền vững. Định hướng và chiến lược phát triển của Vietbank là trở thành một ngân hàng đa năng và dịch vụ hiện đại.

Để phân tán rủi ro, chúng tôi phát triển tất cả các phân khúc khách hàng, đồng thời cung cấp các dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quá trình giao dịch. Chúng tôi luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu với cam kết lấy chữ “tín” làm niềm tin với khách hàng, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ.

Tôi cho rằng, Vietbank là một trong những ngân hàng trẻ, xuất phát điểm thấp, nên tiềm năng và quy mô tăng trưởng còn rất cao. Đồng thời, Vietbank có mạng lưới đa dạng gồm 96 điểm giao dịch, trải dài từ Bắc - Trung - Nam, vì vậy có nhiều cơ hội về thị trường hoạt động. Đó chính là lợi thế để chúng tôi tiếp tục tăng trưởng quy mô trong năm 2015. Song song đó, Vietbank sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại để thúc đẩy mạnh công tác bán hàng trong năm 2015

Tin bài liên quan