Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Ông Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN

Ông Đinh La Thăng: “Ngân hàng cho vay đã đúng chưa?”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tranh luận về số tiền thiệt hại hơn 534 tỷ đồng được lấy từ tiền lãi vay ngân hàng, bị cáo Thăng phản pháo cần phải xem xét ngân hàng cho vay đã đúng chưa.

Ngày 11/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sai phạm về quy định đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại tòa, bị cáo Phạm Xuân Diệu, cựu Giám đốc Tổng CTCP Xây lắp dầu khí (PVC) khẳng định bản thân không vụ lợi, không có lợi ích nhóm. Hậu quả của vụ án không phải do năng lực nhà thầu, không phải do PVC được chỉ định thầu. Bị cáo cho rằng khi triển khai dự án đã không làm đúng như 39 điều khoản hợp đồng và do các nguyên nhân khác như chủ đầu tư thiếu vốn.

“Hành vi nếu có chỉ là lỗi vi phạm hành chính. Đề nghị tòa cân nhắc xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho tôi, miễn đền bù trách nhiệm dân sự cho tôi”, bị cáo Diệu bào chữa.

Bào chữa cho bị cáo Diệu, luật sư Phạm Hoàng Việt cho rằng, việc đánh giá thiệt hại trong vụ án này thiếu cơ sở, khách quan, không có mối quan hệ nhân quả. Luật sư cũng đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Tại phần tranh luận, ông Đinh La Thăng cũng đề cập đến kết quả giám định của Bộ Tài chính xác định thiệt hại trong vụ án là tiền lãi vay mà chủ đầu tư PVB phải trả và tiếp tục có nghĩa vụ với ngân hàng là hơn 543 tỷ đồng. Bị cáo cho rằng, cáo trạng chỉ xác định số tiền lãi chủ đầu tư phải trả ngân hàng, đây không phải là giá trị thiệt hại của dự án.

“Khi ký hợp đồng, tôi yêu cầu phải có tiền bảo lãnh để thực hiện dự án. Chủ đầu tư không yêu cầu bảo lãnh, không có tiền khắc phục khi có thiệt hại xảy ra thì đây không phải là trách nhiệm của tôi.

Tôi cũng đồng tình với ý kiến các luật sư là nguyên nhân số một dự án bị dừng thi công là tiền. Không có tiền thì không làm được gì cả. Ngoài ra, chủ đầu tư thay đổi thiết kế. Những thay đổi này phải được lập dự toán, thanh toán. Chủ đầu tư không thanh toán, nhà thầu không làm được. Ở đây hoàn toàn không phải vì lý do năng lực.

Tôi nói không đổ trách nhiệm cho ai nhưng chỉ đạo của Bộ Chính trị thì phải có các chính sách kèm theo song các cơ quan chức năng hoãn hết việc này đến việc khác…”, bị cáo Thăng nói.

Về phía ngân hàng, bị cáo cho rằng ngân hàng cho vay thì phải thẩm định, phải có tài sản thế chấp. Cơ quan tố tụng không đòi nợ cho ngân hàng. Bị cáo đề nghị cần xem xét ngân hàng cho vay đúng không.

Mặt khác, theo kinh tế thị trường, tranh chấp này phải theo luật dân sự, thương mại. Việc định giá thiệt hại hoàn toàn không đúng về luật, về cả lý và tính. “Không thể tính đây là thiệt hại và bổ đầu cho tôi và những người khác được”, bị cáo nói.

Bị cáo cũng thắc mắc: "Vậy liệu có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế không?"

Trước cáo buộc về việc biết rõ nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ đạo chỉ định thầu cho PVC và liên danh, bị cáo đề nghị VKS cung cấp chứng cứ là lời khai này ghi vào hôm nào, tại bút lục nào. “Chỗ nào cũng điền Đinh La Thăng vào thì câu văn mới hoàn chỉnh thì phải”, bị cáo nói thêm.

Theo cáo trạng, quá trình thực hiện dự án này, PVB đã vay của Ngân hàng Seabank và Công ty Tài chính Dầu khí nay là Ngân hàng PVCombank tổng số tiền 754 tỷ đồng.

Kết luận giám định Bộ Xây dựng thể hiện, việc PVB lựa chọn nhà thầu tổ hợp PVC không đáp ứng được điều kiện năng lực, kinh nghiệm. Việc làm này đã vi phạm quy định trong hoạt động xây dựng.

Cơ quan chức năng xác định, thiệt hại thực tế do hành vi trên gây ra được tính là số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả và còn phải trả tiếp đến ngày khởi tố vụ án (năm 2018) là 543 tỷ đồng.

Tin bài liên quan